Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 11/2/2016 9:59'(GMT+7)

Giúp đồng bào Tây Nguyên thoát nghèo bền vững

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đến với các hộ dân ở 5 xã nghèo của huyện Ia Pa (Gia Lai) đã tạo được sự đồng thuận cao trong đông đảo người dân. Cùng với việc đầu tư xây dựng đường giao thông tại các buôn, làng, c ác mô hình thâm canh cây trồng, vật nuôi theo nhóm đồng sở thích (nhóm LEG - mỗi nhóm từ 10 đến 15 hộ) như chiếc "phao cứu sinh" giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. 

Trước đây, con đường đi từ thôn A Ma Hlim 2, xã Chư Mố đến một số điểm dân cư và khu sản xuất của bà con trong thôn luôn ngập nước và lầy lội, thì nay đã được thay thế bằng con đường bê tông đem lại sự khang trang cho buôn làng. Có được con đường mới, bà con trong thôn ai ai cũng phấn khởi, bởi việc đi lại cũng như việc vận chuyển nông sản của bà con được thuận lợi. Chị Mi Cơn, thôn A Ma Hlim 2, xã Chư Mố, huyện Ia Pa chia sẻ: Ngày trước con đường này rất khó đi, có lúc nước ngập đi không được, chúng tôi phải đi vòng qua đường khác. Đến mùa thu hoạch chở lúa về cũng vất vả lắm, nay có đường bà con mình vui lắm, không còn lo mỗi khi gặt lúa nữa. 

Ông Ksor Jú, Chủ tịch UBND xã Chư Mố, huyện Ia Pa cho biết: Chư Mố là một xã nghèo của huyện Ia Pa, với 98% dân số là dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 30%. Vì vậy, việc huy động đóng góp tiền của, ngày công của người dân để làm đường nông thôn rất khó thực hiện. Nhờ nguồn vốn từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, xã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng để bê tông hóa con đường này. Giờ đây, niềm mong mỏi, mơ ước của bà con trong thôn đã trở thành hiện thực, tạo điều kiện thuận tiện cho bà con an tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. 

Ngoài phát triển hệ thống giao thông, dự án nuôi bò sinh sản cũng đang mang lại niềm vui cho nhiều hộ nghèo. Anh Hoàng Văn Hiển, trưởng nhóm đồng sở thích hỗ trợ bò sinh sản, thôn Hoa Sen, xã Ia Mrơn cho biết: Cả xã có 10 hộ được nhận tài trợ từ dự án này, khi biết mình được nhận bò sinh sản, tôi mừng đến muốn khóc. Chỉ vài tháng nữa là tôi có bê con rồi, đây là cơ hội để gia đình thoát nghèo. 

Theo Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa, tại 4 buôn là Kdăm 1 (xã Ia Kdăm), Ơi Briu 1 và Ơi Briu 2 (xã Chư Mố), Biăh C (xã Ia Tul) và Jư Am Uốc (xã Ia Broăi) có 5 nhóm đồng sở thích tự nguyện thực hiện nhóm cải thiện sinh kế sản xuất lúa nước. Ông Võ Tấn Công - Phó ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa cho biết: Đầu năm 2016, các nhóm đồng sở thích sản xuất lúa ở huyện đã đồng loạt được triển khai, đến nay, cây lúa đang trong giai đoạn phát triển tốt. Để có được kết quả đó, đội ngũ chuyên môn tham gia dự án, đặc biệt là các hướng dẫn viên cộng đồng phối hợp chặt chẽ với Ban Phát triển xã theo dõi sát sao từng diện tích lúa để hỗ trợ kịp thời cho bà con kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. 

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai trên địa bàn huyện vùng khó Ia Pa đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nơi đây. Đặc biệt là cách làm và cách tổ chức thực hiện các mô hình cây trồng, vật nuôi sát với nhu cầu của người dân và gắn với đặc điểm tình hình thực tế của từng địa phương đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, ông Công cho biết thêm. 

Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ các nhóm sản xuất lúa nước, nuôi bò ở huyện Ia Pa thuộc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên là thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; các thành viên nhóm cải thiện sinh kế đều tin tưởng và nhiệt tình tham gia dự án. Với sự tận tâm của cán bộ dự án, sự sâu sát của cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng sẽ là cơ sở giúp các nhóm cải thiện sinh kế ở huyện Ia Pa hướng đến phương thức sản xuất mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng đất, từ đó tiến tới xoá đói, giảm nghèo bền vững./. 

Nguyễn Hoài Nam/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất