Những năm gần đây, vi phạm bản quyền âm nhạc luôn là một vấn đề làm “nóng” dư luận. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có nhiều, tuy nhiên đáng chú ý là việc nhiều đối tượng lợi dụng một số kẽ hở của pháp luật để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tác quyền.
"Lách luật" để trốn nghĩa vụ
Ngày 9/10/2018 vừa qua, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được ban hành. Tại Điều 6 của Nghị định quy định: Bãi bỏ thành phần hồ sơ "01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả" tại thủ tục cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Trước đó, ngày 18/4/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1396/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 72/2012/NĐ-CP.
Tại Phụ lục lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (kèm theo Quyết định 1396/QĐ-BVHTTDL) có nêu phương án cắt giảm điều kiện "hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả" trong thủ tục cấp giấy phép biểu diễn và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (tại Điều 9, Điều 24 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP).
Trước đây, nếu muốn xin giấy phép cho chương trình nghệ thuật, biểu diễn, đơn vị tổ chức sẽ phải xin phép các tác giả trước. Hồ sơ cấp phép phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Sở dĩ có hiện tượng vi phạm tác quyền nhiều như hiện nay là vì các đơn vị tổ chức đã tìm thấy kẽ hở trong quy trình cấp phép để "lách luật".
Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, năm 2017 và 10 tháng của năm 2018 có 78 chương trình âm nhạc lớn, nhỏ diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam chưa thực hiện nghĩa vụ về bản quyền tác giả âm nhạc. Đây là những chương trình sử dụng âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Phú Quang hoặc show diễn của các ca sĩ nổi tiếng như Lệ Quyên, Lan Anh, Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Khánh Ly, Hồ Ngọc Hà, Bằng Kiều…
Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: Trung tâm đang phải tập trung nhân lực và kỹ thuật để thu tiền tác quyền 78 chương trình trên như một hình thức “xử lý hậu quả” của những bất cập về chính sách, pháp luật. Tuy nhiên việc làm này vẫn như “muối bỏ bể”. Nếu điều này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy không đáng có, đặc biệt là làm tổn hại đến tư tưởng, tình cảm của văn nghệ sĩ.
Lời giải cho bài toán
Mới đây tại cuộc làm việc của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam về tác động của một số chính sách, pháp luật ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đang gây khó khăn cho công tác bảo hộ quyền tác giả âm nhạc, ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với quốc tế, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Về cơ bản, các cơ quan chức năng muốn giảm bớt thủ tục trong khâu cấp phép và họ không sai. Vì dù trong bộ hồ sơ cấp phép không có văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, thì quyền tác giả đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ ràng và mọi người phải có nghĩa vụ thực hiện. “Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang rà soát tất cả thủ tục, điều kiện để giảm một cách tối đa thủ tục phiền hà cho các nhà sản xuất, người kinh doanh. Còn các thủ tục liên quan đến đối tượng khác thì phải cân nhắc để đảm bảo hài hòa lợi ích của các tầng lớp trong xã hội. Việc kiện ra tòa là điều bất đắc dĩ… Nếu chúng ta có được một quy định để đề phòng sẽ tốt hơn”, ông Khiển nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, ông Đinh Trung Cẩn cho rằng: Nghị định 142/2018/NĐ-CP chỉ thực hiện được với điều kiện hiểu biết chung về bản quyền, cũng như tinh thần chấp pháp của xã hội đã được nâng cao. Trong giai đoạn ý thức về bản quyền còn rất yếu như hiện nay, Nghị định không chỉ gây khó khăn cho những cơ quan bảo vệ bản quyền như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, mà còn có thể khiến các cơ quan có chức năng cấp phép rơi vào tình trạng vi phạm bản quyền. Điều quan trọng nhất là quyền lợi của người sáng tác bị vi phạm trầm trọng.
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Pham Ngọc Khôi cho rằng: Âm nhạc Việt Nam đã tham gia “sân chơi” hội nhập, bình đẳng. Giải quyết vấn đề bản quyền, bên cạnh tuân thủ quy định của pháp luật, chúng ta cũng cần tuân thủ các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Quy định pháp luật nào chưa phù hợp, chúng ta có thể đề nghị điều chỉnh để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm động viên các nghệ sĩ sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung văn học nghệ thuật cũng như của đất nước.
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, là tổ chức bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên cùng Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có văn bản gửi tới Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cả Cục Nghệ thuật biểu diễn về vấn đề này. Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội cũng sẽ bàn bạc, trao đổi thêm với các cơ quan chức năng để góp tiếng nói chung trong việc sửa đổi, điều chỉnh những điều chưa hợp lý của Nghị định 142./.
Theo TTXVN