Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 23/1/2013 21:30'(GMT+7)

Thủ tướng ban hành Chỉ thị về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và thực hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; hoàn thiện Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020; Nghị định về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; Đề án kiên cố hoá trường lớp, nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2013-2015; Nghị định ban hành các tiêu chí về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng khung trình độ quốc gia; Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bộ Giáo dục Đào tạo cũng được yêu cầu: cần phối hợp với các Bộ có liên quan cũng như UBND cấp tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra không để xảy ra tiêu cực trong nhà trường, thi cử; triển khai mạnh mẽ quy hoạch nhân lực ngành và đổi mới quản lý chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo không chính quy, đào tạo liên kết với nước ngoài... Đẩy mạnh thực hiện các đề án về dạy và học ngoại ngữ, phát triển tin học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Giáo dục- Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm về đặt hàng cung ứng dịch vụ đào tạo đối với một số ngành nghề khó tuyển sinh, Nhà nước có nhu cầu cao, đào tạo chất lượng cao, học phí cao...

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới các trường dạy nghề đến năm 2020; đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020; đề án 40 trường dạy nghề chất lượng cao đến năm 2020; khung trình độ nhgề quốc gia... Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 nhằm tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề. Phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức hội nghị chuyên đề phân luồng học sinh sau THCS và xây dựng chính sách thực hiện, bổ sung nội dung dạy và học ngoại ngữ của khối dạy nghề vào Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008 – 2020. Đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở dạy nghề ở vùng sâu vùng xa...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra giám sát nhân lực, xây dựng cơ chế tài chính phù hợp cho giáo dục đào tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ưu tiên quỹ đất cho các cơ sở giáo dục, triển khai quy hoạch phát triển nhân lực của các tỉnh, thành phố phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Tích cực triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, tăng cường phân luồng và xoá mù chữ. Tích cực giải quyết tình trạng trường học xuống cấp, tạm bợ ở vùng khó khăn và giải quyết chế độ chính sách cho nhà giáo./.

HT


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất