(TG) - Ngày 2/5, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương (Hội đồng) tổ chức Kỳ họp thứ chín nhiệm kỳ 2021-2026 cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 50 năm đất nước thống nhất (1975-2025), góp phần hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, nội dung của Kỳ họp thứ 9 tập trung thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng kết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 50 năm đất nước thống nhất (1975-2025), góp phần hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", góp phần cung cấp những căn cứ lý luận và thực tiễn phục vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Với tầm quan trọng trên của Kỳ họp, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các thành viên Hội đồng và chuyên gia cao cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, trí tuệ tập thể, phát biểu, thảo luận những vấn đề trọng tâm của Kỳ họp.
Sau phát biểu khai mạc và nghe trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu, nhấn mạnh, bổ sung một số nội dung về các vấn đề trọng tâm trong dự thảo gồm: bối cảnh thế giới và trong nước qua 50 năm đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội cùng những tác động đến sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; về một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ yếu qua 50 năm đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quang cảnh Kỷ họp.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về nội dung: thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục làm rõ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Các đại biểu đã nghiêm túc nghiên cứu 5 bài học kinh nghiệm khái quát từ thực tiễn 50 năm đất nước thống nhất: 1) kiên định các mục tiêu đã chọn; 2) lấy dân làm gốc, dân là trung tâm; 3) đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, có bước đi và hình thức thích hợp trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; 4) kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; 5) sự lãnh đạo, cầm quyền đúng đắn của Đảng.
Phát biểu kết luận Kỳ họp, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao ý thức trách nhiệm, tâm huyết của các đồng chí thành viên Hội đồng, thể hiện qua các ý kiến xác đáng, trí tuệ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định sự kiện thống nhất đất nước đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước ta; đó là cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ý nghĩa của việc thống nhất đất nước còn được thể hiện qua sự thống nhất toàn diện: về tư tưởng, ý thức hệ; về đường lối chính sách; về hệ thống kinh tế; về văn hoá - xã hội; về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài… Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định mô hình thống nhất của hệ thống chính trị Việt Nam; khẳng định mô hình thống nhất của bộ máy nhà nước Việt Nam; khẳng định sự thống nhất mọi vùng lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cần nhấn mạnh trải qua 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, đó là hướng tới kỷ niệm 100 thành lập Đảng; 100 năm thành lập nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Thường trực Hội đồng chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, từ đó, hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo, sớm trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành chương trình đề ra./.
HOÀNG MINH