(TCTG)- Trong lịch sử dân tộc, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng cả nước viết lên những trang sử hào hùng. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tổng kết, trong 8 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm diễn ra trên đất kinh thành, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, thì có ba trận quyết chiến chiến lược giữ vai trò định đoạt trên chiến trường. Đó là, trận Đông Bộ Đầu, đầu năm 1258; trận Ngọc Hồi - Đống Đa, đầu năm 1789 và trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) là sự tiếp nối truyền thống và là một sự kiện biểu trưng cho ý chí quật cường của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc luôn đặt dân tộc ta phải đối phó với các đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế cũng như lực lượng quân sự hùng mạnh gấp nhiều lần: Đế chế Nguyên-Mông với binh hùng, tướng mạnh, hành động dã man và đầu óc bành trướng của một cường quốc mạnh chưa từng có trong lịch sử; sức mạnh của hàng vạn quân Minh và âm mưu thâm độc đồng hóa dân tộc Việt; thực dân Pháp với vũ khí tối tân và quân đội viễn chinh thiện chiến, tinh nhuệ. Dân tộc Việt Nam nhỏ bé, yêu chuộng hòa bình, công lý luôn phải “lấy đoản binh chế trường trận” (Trần Quốc Tuấn), “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), tình thế nhiều lúc “ngàn cân treo sợi tóc”.
Khi chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 mở ra, dân tộc Việt Nam đứng trước cuộc chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất của thế kỷ XX. Hà Nội đứng trước nguy cơ bị “đưa về thời kỳ đồ đá”. Đế quốc Mỹ đã mở chiến dịch tập kích 24/24 giờ bằng máy bay chiến lược B52 vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, từ chiều tối ngày 18 đến 29-12-1972. Mục tiêu của cuộc tập kích chiến lược này nhằm tàn phá một số khu vực dân cư, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta, ngăn chặn tận gốc nguồn tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, gây tâm lý hoang mang, rối loạn trong nhân dân ta, làm áp lực buộc ta phải hạ thấp một số điều khoản trong dự thảo Hiệp định và phải trở lại Hội nghị Paris với thế yếu. Đế quốc Mỹ nuôi ảo vọng, sau chiến dịch công kích bằng B52 này sẽ gây tổn thất lớn về người và của cải, vật chất, làm cho ta phải mất nhiều thời gian khôi phục, do đó không đủ sức tiếp tục cuộc kháng chiến ở miền Nam. Qua đó, giúp cho quân đội và chính quyền Sài Gòn có thời gian tăng cường lực lượng, tạo thế mạnh cho các giải pháp chính trị sau này. Đồng thời, Mỹ cũng muốn chứng minh cho thế giới biết sức mạnh quân sự của họ và răn đe các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau Đại chiến thế giới thứ II đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B52 chiếm 193/400 chiếc của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật chiếm 1.077/3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay chiếm 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Trong suốt 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng khoảng 700 lần chiếc máy bay chiến lược B52, 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu, đánh phá liên tục Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía bắc vĩ tuyến 20. Riêng tại khu vực Hà Nội, Mỹ sử dụng tới 441 lần chiếc máy bay chiến lược B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu. Máy bay Mỹ đã ném bom ồ ạt xuống các khu vực đông dân, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga… gây nhiều thương vong cho nhân dân ta.
Trong 12 ngày đêm đánh phá, Mỹ đã trút xuống miền Bắc hơn 100 nghìn tấn bom đạn (riêng Hà Nội là hơn 10 nghìn tấn), với sức công phá bằng 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Đồng thời đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Tổng thống Níchxơn đã ra lệnh cho B52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên - một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong Thành phố Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người bị thương vong. Đây là cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh và là một thảm họa nhân đạo chưa từng thấy. Cả thế giới phẫn nộ vì sự dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc là mục tiêu, là nhiệm vụ quan trọng của toàn dân tộc mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm. Lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội còn vang vọng lời tuyên bố đanh thép, biểu thị niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thời chống Tống; lời thề “quyết chiến” của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, tinh thần và ý chí “Sát Thát” của quân dân thời Trần, và thể hiện ngay cả trên lá cờ thêu sáu chữ vàng của tuổi trẻ Trần Quốc Toản thời chống Nguyên - Mông; trong tình thế hết sức khó khăn, Nhà Hồ vẫn kiên quyết tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, cùng một bộ phận nhân dân chiến đấu anh dũng, cố thủ đến cùng bảo vệ nền độc lập; lời hiệu dụ của Quang Trung - Nguyễn Huệ “Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ” thời chống Thanh; các Tổng đốc Nguyễn Tri Phương (1873) Hoàng Diệu (1882) “treo mình tử chiến giữ thành” những năm thực dân Pháp mở rộng xâm lược nước ta cuối thế kỷ XIX; lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2-9-1945 khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”; tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội mùa đông năm 1946…
Ý chí bất khuất, gang thép không nao núng trước sức mạnh và sự tàn bạo của kẻ thù của ông cha đã trở thành bệ đỡ tinh thần cho quân dân Hà Nội bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với tên đế quốc sừng sỏ nhất trong chiến dịch chống máy bay B52 năm 1972, viết lên bản anh hùng ca bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh, làm nên một giá trị, một biểu trưng cao cả về tinh thần và bản lĩnh Việt Nam.
Trong lịch sử, để thực hiện phương châm “lấy đoản chế trường”, Trần Quốc Tuấn đã luôn bám sát thực tiễn cuộc chiến tranh, nghiên cứu những yếu tố làm cho đội quân nhỏ có thể đánh thắng đội quân lớn, mà đề ra kế hoạch, phương pháp, lối đánh thích hợp. Nguyễn Trãi đã tổng kết chiến lược, chiến thuật quân sự trong Đại Cáo Bình Ngô “lấy yếu chống mạnh hay tiến công vào chỗ quân địch không phòng bị. Lấy ít địch nhiều, thường đặt quân mai phục để đánh bất ngờ”. Phát huy những kinh nghiệm và tri thức quân sự truyền thống của ông cha, với tầm cao trí tuệ, khả năng sáng tạo và tiếp thu khoa học - kỹ thuật hiện đại, bản tính mưu trí và sự tự tin, nghiên cứu tìm hiểu kỹ về địch, quân và dân Thủ đô đã xác định quyết tâm “dám đánh” và tìm ra cách đánh để “quyết thắng” đế quốc Mỹ.
Ý chí, tinh thần, tri thức quân sự đó được nâng cao về chất, khi Việt Nam có sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt thể hiện ở tầm nhìn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ năm 1962, Người đã chỉ đạo phải tìm hiểu về máy bay B52. Tháng 7-1965, khi đến thăm Quân chủng phòng không - không quân, Người xây dựng quyết tâm đánh thắng máy bay B52 của Mỹ cho bộ đội quân chủng và quân, dân ta. Tháng 12-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân chủng phòng không - không quân chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đánh máy bay B52 của địch. Tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo quý báu của Người giúp quân và dân Hà Nội tạo được thế chủ động khi phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt.
Trước năm 1972, bộ đội phòng không đã 4 lần đưa lực lượng vào tuyến lửa Khu 4, đến tận nơi trực diện với địch để vừa đánh địch, vừa nghiên cứu. Với bao tổn thất, hy sinh, bộ đội ta đã tích lũy được vốn tri thức và kinh nghiệm phong phú. Những hiểu biết về quy luật hoạt động của máy bay B52 cùng kinh nghiệm đánh địch đó đã trở thành căn cứ quan trọng để tìm ra cách đánh máy bay B52 hiệu quả trong chiến dịch phòng không cuối năm 1972 ở Hà Nội. Cũng như bộ đội phòng không, từ sớm, không quân cũng tổ chức nghiên cứu phương án đánh máy bay B52. Với tinh thần dũng cảm, vượt qua nguy hiểm, bộ đội không quân đã xử lý nhiều vấn đề hiểm hóc, nhất là về trình độ khoa học - kỹ thuật, xây dựng và triển khai những phương án đánh địch đầy sáng tạo và quả cảm. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng đã theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời trong suốt quá trình quân và dân ta chuẩn bị đánh địch ở Hà Nội. Tháng 6-1972, Bộ Chính trị ra Nghị quyết nêu rõ: toàn quân, toàn dân ta phải vững vàng, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Cuối tháng 6, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Tư lệnh Phòng không - không quân chuẩn bị cho bộ đội đánh máy bay B52 vào ban đêm. Ngày 24-11-1972, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch tác chiến phòng không, chống cuộc tiến công đường không bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Sự chủ động của của Bộ Chính trị, Quân Ủy Trung ương thể hiện ở việc phê chuẩn kế hoạch đánh máy bay B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trước khi Ních xơn phê duyệt kế hoạch dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Trên toàn cục ở Hà Nội, thế trận phòng không, không quân được xây dựng nhiều tầng và rộng khắp, có phương án hiệp đồng và bảo đảm chu đáo; chuẩn bị kỹ lưỡng cả thế trận phòng tránh (phòng không nhân dân) và thế trận đánh trả (các trận địa); phân công các binh chủng hỏa lực kết hợp với sở trường và tính năng vũ khí; kết hợp vừa chiến đấu vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm chi viện cho chiến trường... Lực lượng trong chiến tranh nhân dân Thủ đô thời kỳ này là lực lượng toàn dân và lực lượng phòng không nhân dân ba thứ quân: lực lượng trinh sát, lực lượng chiến đấu và lực lượng cứu hộ, khắc phục hậu quả; lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; lực lượng chiến đấu tại chỗ và lực lượng bảo vệ từ xa. Các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu của dân quân, tự vệ có thời điểm lên tới 54.000 người, sử dụng 500 súng trung liên, đại liên và súng máy phòng không, triển khai 295 trận địa trực chiến. Sự kết hợp giữa hỏa lực phòng không chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ đã tạo ra thế trận bắn máy bay lợi hại. Cách đánh của nhân dân Thủ đô cực kỳ đa dạng và sáng tạo: đánh chặn bảo vệ từ xa, đánh tiêu diệt lớn, đánh tập trung vào hướng chủ yếu, tầm bay chủ yếu của địch, vạch nhiễu tìm thù, đánh ba điểm, đánh gần, đánh đồng loạt nhiều tầng, đánh tập kích, cơ động phục kích, ngụy trang nghi binh lừa địch…
Nhờ sự chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, lực lượng và phương tiện, quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng…đã đánh trả địch những đòn đích đáng ngay từ những trận đầu và đã đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 của Mỹ. Trong toàn bộ cuộc chiến đấu đập tan cuộc tập kích 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111), bắt sống 44 giặc lái, bắn chìm và bắn hỏng 9 tàu chiến. Riêng Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 máy bay B52 và 2 máy bay F111).
Trận đánh tiêu diệt máy bay B52 - con “át chủ bài” của không quân Mỹ đầu tiên trên thế giới là trận thắng quân sự lớn của ta. Với thắng lợi này, ta đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút hết quân Mỹ về nước. 12 ngày đêm cuối năm 1972 là bản anh hùng ca bất diệt của một dân tộc không hề run sợ trước sức mạnh hủy diệt của một đế quốc đầu sỏ. Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô của lương tri và phẩm giá loài người.
Các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ xuyên suốt lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, trong đó có sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đều là các cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ưu thế chính trị tinh thần to lớn đó, kẻ thù dù mạnh hơn hẳn về lực lượng quân sự cũng không thể có được. Nhờ nêu cao chính nghĩa “đem đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”, nên dân tộc Việt Nam dù nhỏ bé đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, xây dựng được quyết tâm và dũng khí để chiến đấu với kẻ thù, tìm ra cách đánh độc đáo “mưu phạt tâm công”; đồng thời, cũng thể hiện một tinh thần nhân văn yêu chuộng hòa bình “Tha mạng sống cho ức vạn người để dập tắt chiến tranh cho đời sau” (Lê Lợi). Trong thời đại Hồ Chí Minh, tính chất chính nghĩa, nhân đạo đó trở thành điểm tựa tinh thần cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ là cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao trong điều kiện mới - chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” còn có sự đóng góp của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhân dân Mỹ tiến bộ cũng đứng bên cạnh Việt Nam, đấu tranh mạnh mẽ ngăn chặn những hành động phiêu lưu độc ác của nhà cầm quyền Mỹ. Đối diện với sự tàn bạo của kẻ thù là ý chí của một dân tộc. Cuộc “đụng đầu lịch sử” đã để lại cho nhân loại yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức niềm tin chiến thắng của sức mạnh chính nghĩa, của con đường cách mạng vô sản mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Truyền thống anh hùng, khát vọng hòa bình, tư thế ngẩng cao đầu của dân tộc Việt Nam trong lịch sử - đã được nhân lên, tạo nên khí phách Việt Nam trong thời đại mới.
Lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội cũng in đậm dấu ấn biết bao anh hùng dân tộc tiêu biểu cho ý chí và trí tuệ của dân tộc có công trạng bảo vệ Thủ đô như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh. Và cũng chính trên mảnh đất ngàn năm văn hiến đó, biết bao thế hệ người dân Thủ đô cùng nhân dân cả nước chấp nhận những cuộc chiến vô cùng ác liệt, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải để bảo vệ Thủ đô, giải phóng Thủ đô, góp phần xứng đáng vào công cuộc giữ nước. Trong mỗi người dân Việt nói chung và mỗi người dân Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nói riêng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đã trở thành ý thức thường trực khiến họ gác lại những lợi ích riêng tư trước hiểm họa ngoại xâm để cùng nhau đánh bại kẻ thù.
Nhân dân Thủ đô - từ trong lịch sử - đã không chỉ là lực lượng ủng hộ, mà thực sự trở thành một chủ thể đông đảo nhất và mấu chốt của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, nhân dân Thủ đô theo lời kêu gọi của triều đình, cất giấu lương thực đi kháng chiến, tạo thế “vườn không, nhà trống” cô lập kẻ địch. Quân dân Đại Việt với hào khí Đông A “trên dưới một lòng, vua tôi đồng thuận” đã lập nên chiến công oanh liệt, đó là 3 lần đánh thắng đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Nhân dân đã cùng Nhà Hồ xây dựng hệ thống phòng tuyến chạy dọc bờ nam sông Nhị mà hai cứ điểm then chốt là thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội) và Đông Đô (Hà Nội), phá lúa, di dân, tích lũy lương thực cùng triều đình kháng chiến chống giặc Minh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mãn Thanh, nhân dân các vùng Đầm Mực, Ngọc Hồi đã giúp tướng sĩ của Vua Quang Trung công phá và bao vây, tiêu diệt quân giặc. Người dân nội thành Thăng Long đã có sáng kiến làm “con rồng lửa” đốt trại giặc Thanh để quân giặc bị bất ngờ, hoảng loạn mà chịu chết ở Đống Đa hay đạp lên nhau mà chạy, đứt cả cầu phao qua sông Hồng, xác trôi đầy dòng nước xiết. 60 ngày đêm mùa đông năm 1946, chiến đấu, giữ từng mái nhà, góc phố, với tinh thần "Thà chết không chịu làm nô lệ", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội đã tiêu diệt trên 2.000 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, đánh bại âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não, đánh chiếm, làm chủ thành phố trong 24 giờ của thực dân Pháp.
Trong chiến dịch phòng không ác liệt cuối năm 1972, các tầng lớp nhân dân thủ đô trong suốt cuộc chiến đấu đã biểu lộ ý chí và tinh thần kiên cường khắc phục mọi khó khăn gian khổ; phát huy những kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân ở đô thị, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội để thực hiện các phương án tác chiến. Cùng với bộ đội phòng không kiên cường và các tay súng tự vệ vững chắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã góp sức to lớn làm nên chiến công hiển hách. Cuộc sống đô thị được tổ chức theo kiểu thời chiến. Các cụ già, em nhỏ, học sinh, sinh viên được sơ tán về nơi an toàn. Công tác phòng không tại chỗ được triển khai tích cực. Mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan trường học, xí nghiệp đều kiến tạo hầm hào trú ẩn. Trong thành phố có 230.000 hố cá nhân, 1.130 km hào giao thông, hàng nghìn hầm tập thể.
Sự bạo tàn của kẻ thù càng tăng thêm quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân Hà Nội. Trong tổn thất, đau thương càng sâu nặng nghĩa đồng bào. Hà Nội chiến đấu vì cả nước; cả nước hướng về Hà Nội sẻ chia, cổ vũ. Hàng trăm tấm gương sáng ngời của Thủ đô xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực: trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ trật tự, tính mạng, tài sản của nhân dân, trong cứu thương, cứu hỏa, trong đùm bọc cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là hình ảnh của các chiến sĩ công nhân anh hùng “Bến phà kiên cường chống Mỹ” Bác Cổ, lặn lội bám trụ ngày đêm để bảo đảm giao thông thông suốt, bất chấp bom đạn của kẻ thù. Đó là hình ảnh về tấm gương hy sinh của hai đồng chí Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa bám máy đến cùng để bảo đảm dòng điện cho Thủ đô. Đó là hình ảnh các chiến sĩ công an đường phố sâu sát, nắm dân, quên mình để cứu chữa, bảo vệ tính mạng nhân dân. Đó là lực lượng cứu sập, cứu hỏa quên mình dưới bom đạn địch làm nhiệm vụ. Đó là hàng trăm ngàn các chiến sĩ tự vệ, các hội viên chữ thập đỏ và cả những người dân bình thường vì nghĩa lớn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tận tình cưu mang bà con, xóm ngõ của mình trong cơn hoạn nạn. Đội ngũ các thầy thuốc, những “chiến sĩ áo trắng” từ giáo sư, bác sĩ đến y tá, hộ lý đều lăn lộn bất chấp mọi hiểm nguy để làm nhiệm vụ cao cả của người lương y vì sự sống còn của hàng ngàn nạn nhân. Đó là cán bộ, công nhân trong ngành phục vụ điện, nước, ăn uống, giao thông vận tải. Nhiều đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến. Hàng trăm tổ chức đảng và cấp ủy các chi bộ, đảng bộ và hàng ngàn đảng viên được biểu dương gương mẫu trong đợt chiến đấu chống máy bay B52. Mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đã góp phần tạo nên chiến công vĩ đại này.
Thắng lợi của quân và dân ta trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam niềm tự hào, tự tin và làm giàu thêm ý chí và tri thức về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ sáng tạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc chiến đấu “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; là thắng lợi của truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Thủ đô Hà Nội, góp phần làm rạng rỡ truyền thống văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội./.
TS. Trương Minh Tuấn - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương