Chiều 9/8, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy, ông Lê Ngọc Quang, Phó
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết mức thu học phí năm học
2016-2017 sẽ tăng 33% so với trước. Với việc tăng này, ngành giáo dục Hà
Nội có điều kiện tăng đầu tư cho dạy và học, đồng thời đó cũng là yếu
tố hạn chế việc lạm thu của các trường học.
Ông Lê Ngọc Quang cho biết, dựa trên nguồn thu học phí, ngành giáo dục
sẽ tính toán định mức chi thường xuyên, sử dụng nguồn thu một cách hợp
lý, minh bạch.
Với mức thu học phí mới, tổng số thu từ học phí sẽ tăng lên 112 tỷ
đồng/năm, trong đó sẽ dành 40% chi thực hiện cải cách tiền lương và 60%
chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, số thu học phí tăng thêm này vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp so với nhu cầu chi phục vụ dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập
năm 2016-2017 đối với thành thị là 80.000 đồng/tháng/học sinh (tăng
20.000 đồng so với năm học trước), nông thôn là 40.000 đồng (tăng 10.000
đồng), miền núi là 10.000 đồng (tăng 2.000 đồng).
Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức thu học phí năm học 2016-2017
và định hướng lộ trình đến năm học 2020-2021 theo nguyên tắc học phí
hàng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định.
Đến năm học 2020-2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung
quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với thành thị,
nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với miền
núi, có nghĩa là học phí vùng thành thị sẽ là 300.000 đồng/người/tháng,
vùng nông thôn 120.000 đồng/người/tháng và miền núi là 30.000
đồng/người/tháng.
Năm học 2015-2016, tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và
phổ thông của thành phố Hà Nội trên 287 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng chi phí
tiền lương, chi phí trực tiếp.
Kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi theo định mức gần 4.029 tỷ đồng. Mức
thu học phí của Hà Nội năm học vừa qua thấp nhất trong khung học phí
quy định của Chính phủ và ở mức thấp so với mức thu của các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên chưa huy
động được nguồn lực từ đóng góp của người dân cho giáo dục.
Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập, mức thu học phí
tăng dần theo lộ trình, chậm nhất đến năm học 2020-2021, mức thu bằng
mức trần đối với các đơn vị chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu
tư quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ./.
(TTXVN)