(TG) - Sở Y tế sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực
của cán bộ quản lý và nhân viên y tế về chuyên môn, nghiệp vụ trong công
tác quản lý chất thải y tế và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quản lý
chất thải y tế và bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng đáng lo ngại từ nguồn rác thải y tế bị “tuồn” ra thị
trường đem tái chế làm đồ gia dụng, ngành Y tế Hà Nội đang tích cực
triển khai các biện pháp nhằm siết chặt quản lý chất thải y tế.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay trung bình mỗi năm, tổng lượng
rác thải y tế thải ra từ 41 bệnh viện công lập, 52 phòng khám đa khoa, 4
nhà hộ sinh, 584 trạm y tế và khối y tế tư nhân trên địa bàn thành phố
ước khoảng 592.395kg chất thải y tế nguy hại, 2.971.830kg chất thải
thông thường và khoảng1.722.600m3 nước thải.
Các chuyên gia y tế cho rằng, lượng rác thải y tế độc hại trên địa bàn
sẽ còn tiếp tục tăng lên khi xã hội phát triển, công nghiệp hóa ngày
càng cao. Chính vì vậy, công tác quản lý các chất thải y tế phải được
nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định mới có thể đảm bảo an toàn.
Thực hiện yêu cầu của Cục Quản lý môi trường y tế về tăng cường công tác
quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản
yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cập nhật, phổ biến, tuyên truyền,
giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi
trường.
Sở Y tế cũng đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực
của cán bộ quản lý và nhân viên y tế về chuyên môn, nghiệp vụ trong công
tác quản lý chất thải y tế và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quản lý
chất thải y tế và bảo vệ môi trường.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu
giữ tạm thời và xử lý chất thải y tế đúng quy định, phân công làm rõ
người chịu trách nhiệm quản lý trong từng khâu đoạn thu gom, khu vực lưu
giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại đơn vị; khi chuyển giao chất
thải cho các tổ chức, cá nhân có đủ tư cách pháp nhân về xử lý chất thải
nguy hại theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng làm thất thoát
chất thải y tế nguy hại ra bên ngoài.
Đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất
thải y tế, bảo vệ môi trường nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành
vi vi phạm về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế
và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở Y tế phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị; trường
hợp xảy ra vi phạm, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật
và cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào các trang, thiết bị, phương tiện
thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải, thiết bị xử lý chất thải y tế;
việc thực hiện công tác tác phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử
lý chất thải y tế; kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, quản lý vệ
sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp...
Ngoài việc xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, các đoàn thanh, kiểm
tra hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện thủ tục pháp lý trong lĩnh vực
quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường và quản lý vệ sinh lao động,
sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Từ năm 2012, ngành y tế Thủ đô đã có 5 dự án đầu tư hệ thống xử lý chất
thải y tế của các đơn vị với tổng kinh phí gần 213 tỷ đồng. Hiện tại, 41
bệnh viện của ngành y tế Hà Nội đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng y
tế.
Để “thắt chặt” quản lý rác thải y tế, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn
Văn Dung cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị y tế công lập và ngoài công
lập xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý
rác thải y tế; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện, quy định và
phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; rà soát toàn bộ các
trang thiết bị y tế, thiết bị chuyên môn, phương tiện vận tải nhằm đảm
bảo an toàn cho cán bộ, người lao động cũng như bệnh nhân, người nhà
bệnh nhân trong quá trình sử dụng.
Hệ thống xử lý chất thải tại các đơn vị cần được bảo dưỡng, sửa chữa đảm
bảo đúng yêu cầu; các đơn vị phải tổ chức đo kiểm môi trường các tiêu
chuẩn về ánh sáng, độ ồn, khí thải.../.
TG