Chiều 9/8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã àm việc với UBND Thành phố Hà Nội tăng cường phối hợp trên lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là vấn đề chống ùn tắc giao thông và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai các dự án nhằm cải thiện tình hình giao thông Thủ đô.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định "Nếu mặt bằng được bàn giao đúng tiến độ, chắc chắn sẽ khó có chuyện công trình giao thông chậm tiến độ, kém chất lượng, đội vốn đầu tư". Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB để bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với các dự án của Bộ Giao thông Vận tải trên địa bàn, Bộ sẽ tập trung cân đối đủ nguồn vốn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất sẽ cố gắng, nỗ lực thực hiện cam kết phối hợp trên tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải từ các vấn đề vĩ mô như ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải; quy hoạch, kế hoạch, phát triển giao thông vận tải đến quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông; quản lý vận tải để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn trên địa bàn, tăng cường quản lý Nhà nước về hạ tầng giao thông, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là vấn đề nhà tái định cư cần bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, tăng cường vận động hạn chế tối đa cưỡng chế trong công tác giải phóng mặt bằng.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong công tác phối hợp như việc tổ chức các bến bãi, nút giao, các cầu vượt dành cho người đi bộ và công tác tổ chức giao thông tuy có nhiều cố gắng, tiến bộ những vẫn chưa thể giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố... Một số tuyến đường vẫn đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa được khai thác, một số dự án chậm tiến độ do vướng mặt bằng, nhiều dự án chưa cân đối được nguồn vốn trong khi nhu cầu đầu tư là cấp thiết. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trong thời gian qua còn nhiều; vận tải hành khách công cộng tuy được phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân TP.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội phối hợp trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội và Đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2012. Triển khai hoàn thành quy hoạch đường Vành đai 5-Vùng thủ đô Hà Nội, hoàn chỉnh quy hoạch đường Vành đai 4-đoạn phía Bắc Quốc lộ 18; Hoàn thiện đề án thí điểm quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện quyết liệt các giải pháp tại các Nghị quyết 32, 16, 88 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện quyết liệt giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; Tiếp tục phối hợp chỉ đạo các chủ đầu tư, sở, ban, ngành, hội đồng GPMB quyết liệt thực hiện công tác GPMB để bàn giao mặt bằng theo kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án; Phối hợp để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đường vành đai 3 đoạn Pháp Vân-Mai Dịch-Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, các tuyến đường sắt nội đô, các đoạn tuyến đường trên vành đai 1,2,4, các tuyến cao tốc hướng tâm, các quốc lộ nối giữa Hà Nội và các tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào chương trình công tác thường xuyên của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo các cơ quan Trung ương tổ chức thực hiện thống nhất tại các địa phương; Ưu tiên các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, WB, ADB... cho Hà Nội để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, công trình hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP, đặc biệt là đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Đối với các Bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số loại phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô và một số thành phố lớn khác; tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn các thành phố lớn để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, bộ, ngành Trung ương phối hợp đồng bộ với Hà Nội trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, đẩy nhanh tiến độ và trình duyệt quy hoạch ngành, thực hiện sớm việc di dời các cơ sở đào tạo, bệnh viện và nhà máy theo quy hoạch. Bộ, ngành liên quan phối hợp đồng bộ với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng và trình Chính Phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, mang tính đặc thù đối với Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh, theo đó nâng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng cảnh sát giao thông, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tiếp tục nghiên cứu các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thực hiện một số cơ chế đặc thù triển khai dự án, giải pháp, biện pháp cấp bách chống ùn tắc và tai nạn giao thông./.
Tuyết Mai - TTXVN