Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 10/12/2010 10:5'(GMT+7)

Hà Nội quyết tâm giải quyết triệt để nhà siêu mỏng

Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết nhà siêu mỏng - Ảnh minh họa

Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết nhà siêu mỏng - Ảnh minh họa

Giải quyết triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo

Mở đầu buổi chất vấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết, ngoài một số tuyến đường mới thiết lập đảm bảo được tiêu chí đẹp, hiện đại cho thủ đô như tuyến Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… chủ trương mở đường trong TP “lõi” tập trung đông dân cư đã gặp nhiều vướng mắc khiến nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên nhiều tuyến phố.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam Nam đặt câu hỏi, liệu Nghị quyết 09 của HĐND năm 2000 về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có quy định về việc tạo cảnh quan đô thị, sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường sau khi mở tuyến phố mới có còn hiệu quả? Tới đây một loạt tuyến mới được mở trong khu dân cư có tiếp tục áp dụng Nghị quyết này nữa hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải cho biết, đã có nhiều cuộc họp, quy định giải quyết về nhà siêu mỏng, siêu méo từ năm 1998, nhiều thống kê, kiểm tra đề xuất xử lý, song tình trạng này chưa được xử lý triệt để.

Từng tham gia thiết kế quy hoạch, khảo sát điều tra xã hội học trước khi xây dựng tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, ông Nguyễn Văn Hải nhận định nguyên nhân lớn nhất khiến việc giải phóng mặt bằng tuyến đường này khó khăn là do không có sự đồng thuận của dân và thị trường bất động sản thời điểm đó trầm lắng, người dân không mặn mà với các dự án tái định cư.

Đại biểu Phạm Thị Loan tiếp tục chất vấn vì sao TP chưa giải quyết triệt để tình trạng này và nếu giải quyết thì sẽ hoàn thành trong thời gian bao lâu.

Đăng đàn giải đáp thắc mắc này, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, trước năm 2005, nhà siêu mỏng được phép tồn tại do chưa có Luật quy định. Sau 2005, dù đã có quy định song quận, huyện làm chưa tốt và đã có 86 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thành phố sẽ kiên quyết xử lý vấn đề này, dựa vào nguồn lực để làm từng bước.

“Tôi khẳng định vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ giải quyết được, dù ở Hà Nội công việc này khó hơn các địa phương khác rất nhiều do giá đất cao, dân cư tập trung nhiều” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.

TP sẽ sớm ban hành quy định quản lý hai bên tuyến đường giúp các địa phương có chế tài quản lý. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại các ô đất nhỏ còn tồn tại ở các tuyến đường mới, xây dựng thành các công trình công cộng như điểm chờ xe bus, điểm bán báo, trồng cây…

Cần đột phá trong xã hội hóa giáo dục, y tế
  
Cũng trong phiên chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Sửu đã trả lời các câu hỏi về việc chậm trễ trong các dự án xã hội hoá bệnh viện, trường học trên địa bàn TP.

Đến năm 2010, toàn Hà Nội có 18 bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động. Lĩnh vực giáo dục có 54 dự án đã được chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đại biểu Lê Anh Tuấn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chọn việc cải cách hành chính làm khâu đột phá để có địa điểm, mặt bằng sạch cho các dự án xã hội hoá y tế, bởi đây không phải là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư.

Giám đốc Sửu Nguyễn Văn Sửu cho rằng, cải cách hành chính trong đầu tư là rất cần thiết nhưng cũng có một thực tế là trong việc tạo đất sạch, Hà Nội cũng như các tỉnh khác còn nhiều bất cập. Ngay những huyện ven đô tạo quỹ đất sạch cũng còn rất khó.

Tuy nhiên, ông Sửu cho rằng, đa số các dự án đều triển khai tốt, thực hiện đúng chủ trương xây dựng đồng bộ các công trình phúc lợi xã hội.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, các Đại biểu đã nêu các câu chất vấn sát với chủ đề, tập trung theo đúng trọng tâm, chỉ ra những vấn đề cần quan tâm, nổi cộm của Hà Nội. Các câu hỏi chất vấn chưa được trả lời tại Hội trường sẽ được trả lời cụ thể bằng văn bản.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất