(TG) - Những kết quả đạt được tại Diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức” lần này sẽ là nguồn thông tin hữu ích để tham khảo trong quá trình xây dựng, tham vấn, tư vấn cơ chế chính sách, đặc biệt là trong việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.
Ngày 22/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Đức GIZ tổ chức diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức”. Đây là hoạt động thường niên của CIEM tập trung thảo luận những vấn đề nóng về kinh tế Việt Nam. Tham dự hội thảo là các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Có thể thấy, kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định trong kiềm chế lạm phát, cân bằng cán cân thương mại, ổn định tỷ giá… Năm 2013, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục kiên định chính sách sánh tài khoá và tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Nhờ đó, cho đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2011 và khoảng 7% năm 2013. Các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô đã dần được tăng cường và củng cố, từng bước khôi phục vững chắc niềm tin của người dân, của nhà đầu tư. Theo báo cáo mới đây của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đã tăng lên 5 bậc so với năm 2012; Chỉ số PMI trong tháng 9 đã tăng trở lại vượt qua ngưỡng ổn định 502.
Tuy vậy, xét cả giai đoạn 2007 - 2013, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế, chưa có dấu hiệu hồi phục, sản xuất kinh doanh có những khó hkăn, đình trệ; số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động đã đạt mức kỷ lục; sức cạnh tranh thấp trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng… Bên cạnh những tác động của nền kinh tế thế giới, nguyên nhân cơ bản một phần xuất phát từ điều hành chính sách ( chuyển trọng tâm chính sách sang thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua áp dụng các chính sách bình ổn tổng cầu của nền kinh tế); một phần xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (năng suất nhân tố tổng hợp cả nền kinh tế tăng rất thấp, thậm chí giảm trong giai đoạn 2008-2010); một trong những nguyên nhân khác là do cơ cấu và mô hình tăng trưởng không còn phù hợp; làm cho việc phân bố và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả.
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khoá XI) đã đề ra chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào ba nội dung: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng – tài chính và tái cơ cấu khu vực DNNN. Tuy vậy, tiến độ tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm trên diễn ra tương đối chậm so với yêu cầu đặt ra.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã xác định khuôn khổ tương đối rõ ràng và chặt chẽ về cách thức triển khai tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Kết quả của tái cơ cấu kinh tế đến nay mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn ngổn ngang và bộn bề trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm tư tưởng đến sự lúng túng trong các giải pháp thực hiện. Rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng cần phải nhanh chóng chuyển trọng tâm chính sách phục hồi kinh tế từ chú trọng quản lý tổng cầu sang các giải pháp cải cách phía cung của nền kinh tế”.
Các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức”đều tập trung vào khả năng tăng trưởng kinh tế và thực hiện tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, những cơ hội và thách thức đặt ra trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp chính sách thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục hồi tặng trưởng, đặc biệt là những định hướng, cách tiếp cận tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: TH) |
Một số kiến nghị tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng được đưa ra tại Diễn đàn tập trung vào những nội dung chính:
Thứ nhất, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm và đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí tuân thủ. Theo tính toán sơ bộ, nếu chúng ta giảm được 15 ngày trong thực hiện thủ tục nhập khẩu và 15 ngày trong thủ tục xuất khẩu, GDP có thể tăng thêm hơn 27 tỷ USD. Ngoài ra, có thể thực hiện hàng loạt các thay đổi khác như ban hành, thực hiện trình tự đặc biệt cho việc giải quyết tranh chấp và thực thi các tranh chấp hợp đồng có giá trị nhỏ, hay đơn giản hoá thủ tục để được cung cấp điện…
Thứ hai, việc tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo đúng yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đòi hỏi có đổi mới tư duy về vai trò của nhà nước và thị trường, vai trò của nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường.
Cần áp đặt một số nguyên tắc, kỷ luật thị trường đối với DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng. Áp đặt một số nguyên tắc quản trị hiện đại đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu và khắc phục tình trạng sở hữu chồng chéo vẫn tiếp tục là các nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo.
Về tái cơ cấu đầu tư công, kết quả tái cơ cấu đầu tư công, nhất là ngăn chặn được tình hình đầu tư dàn trải, phân tán, cần thay đổi chính sách phục hồi tăng trưởng theo hướng “trọng cung”. Phải thiết lập được quy trình thống nhất thẩm định, lựa chọn, phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm lựa chọn được dự án có hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Thay đổi vai trò của Chính quyền địa phương, đổi mới phân cấp trung ương - địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu thực hiện được, các giải pháp trên sẽ có tác động lớn trong việc cải thiện hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Những kết quả đạt được tại Diễn đàn lần này sẽ là nguồn thông tin hữu ích để tham khảo trong quá trình xây dựng, tham vấn, tư vấn cơ chế chính sách, đặc biệt là trong việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020; hoàn thiện Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, xây dựng Chiến lược phát triển DNNN đến 2020;…
Thu Hằng