(TG)- Trên cơ sở nội dung quy chế phối hợp được ký kết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo trong việc cung cấp thông tin, tham mưu cho Thành ủy, UBND TP để triển khai hiệu quả 8 chương trình công tác toàn khóa, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương.
Chiều 17/3, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy và UBND thành phố giai đoạn 2017-2020. Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, sau 6 năm thực hiện cho thấy, việc ký kết Chương trình phối hợp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân giữa Ban Tuyên giáo và UBND cùng cấp là rất cần thiết, qua đó, phát huy vai trò, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Nhận thức về vai trò công tác tuyên truyền trong định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội đã được nâng lên; việc phối hợp trong nắm bắt tình hình dư luận, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, dân sinh bức xúc đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Tuy nhiên, đồng chí Phạm Thanh Học cũng lưu ý việc một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị còn chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của Chương trình phối hợp, dẫn đến chậm cung cấp thông tin, định hướng dư luận, nhất là những vấn đề phức tạp phát sinh, làm hạn chế tính hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền; việc tổ chức đối thoại để giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc giữa các sở, ban, ngành với nhân dân còn chưa thường xuyên…
Qua 6 năm triển khai Chương trình phối hợp, hai bên rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó, việc chủ động, kịp thời cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ chính trị của Thành phố để xây dựng chương trình, kế hoạch giữa 2 cơ quan ngay từ đầu năm là rất cần thiệt; nội dung phối hợp phải rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực, từng thời điểm để tập trung phối hợp tuyên truyền theo phương châm đồng bộ, hiệu quả, thiết thực; phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, tránh hình thành điểm nóng…
Trên cơ sở đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2010-2016 cũng như bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố, lãnh đạo 2 cơ quan đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tập trung vào 6 nội dung. Trong đó, phối hợp tuyên truyền Nghị quyết đại hội đảng các cấp, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, 8 chương trình công tác toàn khóa, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư; phát triển doanh nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch…
Phối hợp trong tuyên truyền, công khai các chính sách về quy hoạch phát triển đô thị; công tác bồi thường GPMB các dự án trọng điểm; chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; công tác CCHC của Thành phố… Hai cơ quan cũng thống nhất tăng cường phối hợp trong phân tích, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Hà Nội là một trong những địa phương sớm triển khai Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân. Trong 6 năm qua, việc triển khai quy chế phối hợp đã cho thấy hiệu quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, việc thực hiện tốt các nội dung của quy chế phối hợp đã góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô và cả nước diễn ra triên địa bàn, qua đó, quảng bá hình ảnh Thủ đô đến đông đảo nhân dân và du khách.
Trên cơ sở nội dung quy chế phối hợp vừa được ký kết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo trong việc cung cấp thông tin, tham mưu cho Thành ủy, UBND TP để triển khai hiệu quả 8 chương trình công tác toàn khóa, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, trong đó, có Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung phối hợp tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong thực hiện cải cách hành chính và 2 bộ quy tắc ứng xử vừa được Thành phố ban hành, gắn với tuyên truyền Nghị quyết 08 của Thành ủy về công tác GPMB, triển khai các dự án trọng điểm để sớm đưa vào sử dụng.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý xác định rõ từng nội dung trọng tâm công tác tuyên truyền trong từng thời điểm, từng năm. Yêu cầu các cấp ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo xây dựng chương trình phối hợp với UBND cùng cấp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thu Hằng