Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 7/8/2010 7:36'(GMT+7)

Hà Nội triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc

Kết quả bước đầu từ những mô hình điểm

Từ khi Hà Nội được mở rộng thì vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân càng được lãnh đạo Thủ đô quan tâm. HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 21/4/2010 về xây dựng nông thôn mới. Nhằm đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và tạo tiền đề cho quá trình triển khai đại trà trên 401 xã của toàn Thành phố, Hà Nội đã lần lượt tổ chức thực hiện 3 mô hình thí điểm nông thôn mới tại 19 xã với các thời điểm khởi đầu khác nhau và càng về sau, số xã được chọn làm điểm càng nhiều hơn.

Mô hình đầu tiên là xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - một trong 11 xã điểm của cả nước được Trung ương chọn làm thí điểm đợt khởi đầu. Sau thời gian hơn 1 năm, từ tháng 5/2009 đến cuối tháng 6/2010, tại địa bàn xã Thụy Hương đã triển khai đồng bộ các dự án thành phần theo các nhóm tiêu chí, nhiều công trình đồng loạt được triển khai như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, đường điện, qui hoạch đồng ruộng, giao thông chính nội đồng, hệ thống thủy lợi..., có nhiều hạng mục đã đạt 60-70%. Còn lại các dự án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, bao gồm dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (79ha), dự án trồng cây ăn quả (15ha), dự án trồng hoa (10ha) cũng vừa được triển khai thực hiện, đồng thời tiến hành lập và trình duyệt tiếp 3 dự án: Dự án sản xuất lúa chất lượng cao; dự án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; dự án nuôi trồng thủy sản. Kết quả, chỉ tính đến tháng 6/2010 đã có 13/19 tiêu chí cơ bản đạt từ 85-100%, 6 tiêu chí đạt ở mức trên dưới 70%.

Tiếp theo là mô hình điểm xây dựng nông thôn mới của Thành phố tại 3 xã: Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì), và Song Phượng (Đan Phượng) đã được UBND Thành phố phê duyệt ngày 15/1/2010. Song song với việc thành lập hệ thống ban chỉ đạo, ban quản lý (BQL) các cấp, tại các xã này đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới, đồng thời triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí, lập đề án đúng tiến độ trình UBND Thành phố ra quyết định phê duyệt. Công việc này đã hoàn thành gọn trong 6 tháng đầu năm 2010. Bên cạnh đó, BQL xây dựng nông thôn mới tại 3 xã đều tích cực thực hiện những phần việc theo thẩm quyền như các dự án xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, kênh mương, đèn chiếu sáng, vệ sinh môi trường...

Tiếp tục mở rộng điểm ra toàn Thành phố, chỉ đúng 3 tháng sau, ngày 15/4/2010, Lãnh đạo Hà Nội lại ra quyết định phê duyệt mô hình điểm xây dựng nông thôn mới tại 15 xã thuộc 15 huyện, thị xã của Thủ đô, đó là các xã: Cổ Đô (Ba Vì), Xuân Nộn (Đông Anh), Đa Tốn (Gia Lâm), Yên Sở (Hoài Đức), Liên Mạc (Mê Linh), Phùng Xá (Mỹ Đức), Đại Thắng (Phú Xuyên), Võng Xuyên (Phúc Thọ), Nghĩa Hương (Quốc Oai), Sơn Đông (Sơn Tây), Đại Đồng (Thạch Thất), Hồng Dương (Thanh Oai), Nhị Khê (Thường Tín), Tây Tựu (Từ Liêm) và Đồng Tân (Ứng Hòa). Cùng với công tác tổ chức, tại các xã này đang khẩn trương khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn để lập đề án. Hiện đã có 3 xã (Yên Sở, Phùng Xá và Đại Đồng) đã hoàn thành dự thảo đề án.

Khó khăn và giải pháp

Bản chất của Chương trình xây dựng nông thôn mới là hiện đại hóa nông thôn nên phải thấy đây là một việc không dễ dàng hoàn thành ngay trong một thời gian ngắn, bởi nó đòi hỏi phải theo đúng các qui trình khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc theo đầy đủ các bước: Tuyên truyền học tập nâng cao nhận thức, khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn, viết dự thảo đề án, lập dự án theo các biểu mẫu đã qui định, thẩm định, phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện, kiểm tra đôn đốc... Khối lượng công việc khá lớn và phức tạp trong khi năng lực, trình độ tiếp thu, khả năng điều hành tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế, lại chưa kịp đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc, vì thế trong triển khai các bước, BQL xây dựng nông thôn mới cấp xã còn lúng túng, bị động, đánh giá thực tại chưa sát thực tế, khi thực hiện lại chưa bám sát nội dung đề án đã được phê duyệt.

Suy cho cùng, đối tượng thụ hưởng lợi ích từ Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là người dân trong xã, vì vậy công tác tuyên truyền phải là khâu then chốt và cần phải được đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó huy động được sự tham gia tự giác và tích cực của cộng đồng dân cư. Đó là yếu tố quan trọng quyết định tiến độ triển khai và đảm bảo cho thành quả của Chương trình được bền vững lâu dài. Song do công tác này tiến hành chưa đầy đủ nên có một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã chưa tích cực tham gia, nhất là trong việc chỉnh trang, vệ sinh môi trường, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tư tưởng và tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là chính nên việc khai thác nguồn lực tại địa phương còn hạn chế, chưa huy động được tối đa nguồn lực lao động của nhân dân tham gia, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc mà Hà Nội gặp phải trong quá trình tổ chức thực hiện, ông Đào Duy Tâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng nông thôn Thủ đô có một số nét riêng nên trong bộ tiêu chí 19 điểm của Chính phủ có một số nội dung không phù hợp, thí dụ: “mỗi xã phải có một chợ” hay “mỗi thôn phải có một nhà văn hóa”... là không cần thiết; hoặc qui định xã đạt tiêu chí nông thôn mới phải có thu nhập đạt 1,5 lần so với thu nhập bình quân của nông thôn toàn tỉnh sẽ là một tiêu chí khó phấn đấu với Hà Nội khi thu nhập bình quân của nông thôn Thủ đô hiện nay đang ở mức cao hơn các tỉnh thành khác. Được biết hiện nay các ban, ngành của Thành phố đang chủ động xây dựng một bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với tính đặc thù của Hà Nội nhằm khắc phục một số tiêu chí “cứng”, tạo sự mềm dẻo hơn trong đầu tư xây dựng.

Về nguồn lực thực hiện Chương trình ở Hà Nội, ông Tâm cho biết để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên 401 xã của Thủ đô cần khoảng 32.000 tỉ đồng, trong đó 17.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, còn lại là từ các nguồn khác. Như vậy bình quân mỗi xã chỉ được khoảng 40 tỉ đồng từ ngân sách đầu tư (trong khi ở 3 đề án điểm đang triển khai con số chi thực tế đã lên tới 250 - 300 tỉ đồng/xã). Để giải quyết bài toán cân đối nguồn kinh phí, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND Hà Nội khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho các địa phương khai thác có hiệu quả nguồn lực tại chỗ. Thực tế triển khai ở xã Thụy Hương cho thấy nguồn lực ở địa phương được huy động có một phần đóng góp của dân với tỉ lệ không quá 10% mà chủ yếu bằng công lao động trên các trục đường xóm ngõ đi qua nhà mình. Còn lại nguồn kinh phí của xã được huy động từ tiền bán đất xen kẹt, phí làm sổ đỏ, một phần tiền đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm... Đây là một số cơ chế được Trung ương cho phép thực hiện ở xã Thụy Hương và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Thành phố đã xin phép được vận dụng tại 3 xã điểm tiếp theo.

Hy vọng các kết quả và kinh nghiệm bước đầu thu được sau một năm thực hiện thí điểm sẽ là tiền đề tạo cơ sở cho việc Hà Nội thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu tới năm 2015, toàn Thành phố đạt 35-40% số xã đạt nông thôn mới.

  •   Chân Giác
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất