Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 4/8/2010 21:26'(GMT+7)

Việt Nam - Indonesia hợp tác chống tội phạm môi trường

Các cơ quan thực thi pháp luật về quản lý gỗ và động vật, thực vật hoang dã tại Việt Nam bao gồm Tổng Cục Lâm Nghiệp (Kiểm lâm và CITES Việt Nam), Tổng cục Hải Quan và Cục Cảnh sát Môi trường cùng các cơ quan đồng nhiệm phía Indonesia đã cùng gặp gỡ, thảo luận, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về việc kiểm soát và đấu tranh phòng chống hoạt động buôn bán trái phép gỗ và động vật, thực vật hoang dã trái phép giữa hai quốc gia.

Dự kiến, các bên sẽ tiến tới một thỏa thuận chung phù hợp với pháp luật của mỗi nước và thông lệ quốc tế để tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Cuộc đối thoại song phương này do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ và đây là lần đầu tiên Indonesia và Việt Nam gặp gỡ để thảo luận về nội dung hợp tác trong công tác phòng chống buôn bán gỗ và các loài hoang dã.

TS. Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết: “Chúng tôi mong muốn được phối hợp với các cơ quan chức năng của Indonesia để có thể kiểm soát có hiệu quả các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời tạo điều kiện cho những hoạt động buôn bán hợp pháp gỗ và các loài hoang dã khác giữa hai quốc gia”.

Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Việt Nam.

Tham gia cuộc đối thoại liên ngành song phương còn có các quan chức cấp cao thuôc Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu, Tổng cục Hải Quan và Cảnh Sát Môi Trường Việt Nam, cùng với các quan chức của Bộ Lâm Nghiệp, Cảnh sát Quốc gia, cũng như các quan chức Hải quan bên phía Indonesia.

Các cảng tại Việt Nam được cho là những đầu mối quan trọng trong hoạt động buôn bán, trung chuyển gỗ và động vật, thực vật hoang dã quốc tế.Nhiều vụ bắt giữ lớn đã được tiến hành tại cảng Hải Phòng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2009 và 2010 lực lượng Hải quan Hải Phòng đã phát hiện và bắt giữ gần 15 tấn ngà voi, hàng chục tấn tê tê đông lạnh và vẩy tê tê cùng với một số lượng lớn mai rùa có nguồn gốc từ Indonesia.

Lam Nguyên - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất