(TCTG) - Chiều 17-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo-Tổ chức Ngày hội di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IV đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình "Tuần Văn hoá Huế và ngày về nguồn 23-11" diễn ra từ ngày 21 đến 25-11-2008 tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam số 2-Hoa Lư (Vân Hồ) Hà Nội. Tham dự và chủ trì họp báo có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Trần Chiến Thắng, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Thừa Thiên-Huế.
Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IV với chủ đề "Tuần Văn hoá Huế và ngày về nguồn 23-11", do Bộ VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội di sản Văn hoá Việt Nam phối hợp tổ chức.
Trong thời gian 5 ngày diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, các hoạt động văn hoá đặc sắc và có ý nghĩa của chương trình đều tập trung vào 2 chủ đề chính là Tuần văn hoá Huế và Ngày hội về nguồn. Trong đó có các hoạt động tiêu biểu như: Triển lãm "Hoạ tiết cung đình Huế", "Hà Nội-Huế và những bài thơ Hán Nôm"; "Huế xưa và nay thời gian qua hình ảnh", "Đời sống cung đình xưa", "Huế-thành phố văn hoá du lịch, thành phố Festival"... với hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật, các bộ sưu tập đồ cổ, thư pháp, tranh thêu, sách và ấn phẩm văn hoá Huế; Giới thiệu nghề truyền thống và ẩm thực Huế với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống và nghệ nhân xứ Huế, có sự trình diễn và thao tác tay nghề của các nghệ nhân phục vụ khách tham quan. Khu ẩm thực giới thiệu các đặc sản xứ Huế, các món ăn theo phong cách Huế xưa như chè Huế, bùn Huế, các loại bánh, cơm sen...; các chương trình biểu diễn-giao lưu văn hoá, nghệ thuật, trò chơi cung đình, trò chơi dân gian, đặc biệt là chương trình nghệ thuật cung đình tổng hợp (diễn ra tối khai mạc 21-11) và "Vũ khúc cung đình" tại Lễ phát động Ngày về nguồn 23-11 (diễn ra tối 22-11)...
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như: Hội thảo "Cơ hội và thách thức đối với di sản văn hoá Huế trong thời kỳ phát triển và hội nhập" (ngày 21-11); Lễ dâng hương thầy Chu Văn An tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Toạ đàm "Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực" góp phần vào phát huy giá trị di sản dân tộc, Thi tìm hiểu về văn hoá Huế, Giao lưu thanh niên-sinh viên Hà Nội-Huế (ngày 22-11); các đêm thơ-nhạc "1.000 Thăng Long-Hà Nội" và ca Huế, "700 năm thơ Huế".v.v...
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trần Chiến Thắng nhấn mạnh: "Tuần văn hoá Huế và ngày về nguồn 23-11" được tổ chức với 2 mục đích: Kỷ niệm 15 năm quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá thế giới (1993 - 2008), 5 năm âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn được ghi vào danh mục kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003 - 2008). Quảng bá sâu rộng những giá trị văn hoá Huế tới đông đảo nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 15 năm qua; Thực hiện kế hoạch liên ngành giữa Bộ VH,TT & DL, Bộ GD & ĐT, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và lấy ngày 23-11 hàng năm là "Ngày về nguồn", nhằm giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam.
"Ngày về nguồn 23-11" được tổ chức đồng thời với Tuần văn hoá Huế với các nội dung như: Phát động các trường học tại các địa phương nhận bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, làm hướng dẫn viên du lịch... tổ chức cho học sinh - sinh viên tham quan, vệ sinh môi trường, trồng cây tại các di tích danh thắng. Các trường đăng ký xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
"Tuần văn hoá Huế và ngày về nguồn 23-11" cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.
AT