Thứ Bảy, 21/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 16/2/2013 8:57'(GMT+7)

Hà Nội với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm – Cuộc thử thách cam go

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn nạn của xã hội.

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn nạn của xã hội.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn. Sự cảnh báo đó thêm một lần nữa khẳng định, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề xã hội có tầm quan trọng đặc biệt, bởi sự liên quan trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển giống nòi và có tác động lớn tới phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Thành phố Hà Nội là một trong số những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố trong nhiều năm qua đã có nhận thức nghiêm túc, rõ ràng về việc đảm bảo VSATTP là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.

Những năm qua, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiến hành đánh giá đúng về thực trạng và mức độ vi phạm VSATTP đang diễn ra trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương bằng việc, ngày 18/01/2012 ban hành Thông tri 06-TT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và UBND Thành phố ban hành Chương trình hành động số 47/CTr-UBND thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Thông tri 06-TT/TU của Thành uỷ Hà Nội.

Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đến đội ngũ cán bộ chủ chốt từ cấp thành phố đến cấp cơ sở; trong đó: 56 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, gần 3.000 Đảng bộ cơ sở, 17.000 chi bộ với 34 vạn đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền do được xác định có vai trò quan trọng đảm bảo thực hiện thành công chủ trương đúng đắn của Đảng về vấn đề VSATTP nên được thực hiện chủ động, sáng tạo với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; đăng tải thường xuyên trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh các hình thức cổ động, sử dụng panô, áp phích, khẩu hiệu ở các nơi công cộng,… qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao hiểu biết về Luật An toàn thực phẩm, góp phần thay đổi hành vi của đông đảo người tiêu dùng trong xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, thực hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về VSATTP.

Do thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác đảm bảo VSATTP, thành phố Hà Nội trong những năm qua đã có được những kết quả đáng mừng. Các ban chỉ đạo VSATTP từ thành phố đến các quận, huyện, thị, xã, phường, thị trấn được kiện toàn, đội ngũ cán bộ mạng lưới VSATTP được bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã chủ động giám sát, xét nghiệm cảnh báo thực phẩm nguy cơ cao, các thực phẩm lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động liên ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong việc quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, sơ chế, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn, nhờ đó đã kịp thời điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, không có tử vong và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố; đồng thời góp phần đảm bảo giám sát VSATTP cho các hội nghị trong nước và quốc tế.

Mô hình cải thiện VSATTP trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được triển khai tại 100 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã. Công tác quản lý ATTP nông sản, thủy sản, hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến buôn bán gia súc, gia cầm đã được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu thực tế. Các quận, huyện, thị, xã, phường, thị trấn coi việc đảm bảo VSATTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên củng cố, đổi mới hoạt động của Ban chỉ đạo VSATTP của đơn vị mình. Công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP được các cơ quan chức năng tiến hành thường xuyên, qua đó đã ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về VSATTP. Đơn cử như trong 11 tháng của năm 2012, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 130 tấn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc được đưa vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, công tác VSATTP trên địa bàn Hà Nội vẫn bộc lộ không ít vấn đề gây bức xúc trong xã hội như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và người sản xuất kinh doanh còn hạn chế nên vẫn vi phạm các quy định về VSATTP. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thị trường lưu thông phân phối, vẫn còn những sản phẩm chưa đúng qui chế về bao gói, nhãn mác. Một số mặt hàng bánh kẹo, rau củ quả, rượu nhập ngoại chưa dán đầy đủ nhãn phụ hướng dẫn người tiêu dùng khi mua hàng, đặc biệt là các loại rượu, gia vị dùng trong thực phẩm; vẫn tồn tại các sản phẩm thực phẩm có phẩm màu công nghiệp, hóa chất cấm sử dụng (Rhodamin B, Malachite Green), sản phẩm không nguồn gốc. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh môi trường, VSATTP. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tuy đã hạn chế, song vẫn còn xảy ra ở một số địa phương như: không có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn chất lượng...

Một số tổ chức, cá nhân buôn bán, chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm vì lợi nhuận đã bỏ qua các yêu cầu trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và VSATTP. Các cơ quan chức năng trong 9 tháng đầu năm 2012 đã xử lý 258 trường hợp.

Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay trong công tác bảo đảm ATVSTP của Thủ đô, đó là: Đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn còn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc. Hệ thống tổ chức quản lý chưa thống nhất, chưa đủ mạnh; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý trong giai đoạn mới. Nhận thức về những tác hại gây ra từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm còn kém; tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đứng trước thực trạng trên, đòi hỏi thành phố Hà Nội trong thời gian tới cần triển khai, thực hiện đồng bộ một số giải pháp mang tính cấp bách, đó là:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành của người dân, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp về Luật an toàn thực phẩm và thực hiện hành vi an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng đối với các sản phẩm thực phẩm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng phát động phong trào rộng khắp và duy trì việc thực hiện các tiêu chí về VSATTP, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực dân cư”. Các tổ chức xã hội, các hiệp hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cần chủ động tham gia công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh, bảo đảm VSATTP.

Nâng cao chất lượng, năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, pháp luật của nhà nước; các quy định về VSATTP; trong đó, chú trọng việc hướng dẫn, quản lý quy trình sản xuất làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chế biến thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Luật an toàn thực phẩm và các quy định pháp luật về VSATTP; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Củng cố tổ chức, bộ máy và kiện toàn Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm ở các cấp để thống nhất quản lý, phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương. Xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là ở cơ sở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết phục vụ công tác phát hiện, kiểm tra, giám sát và bảo đảm chất lượng VSATTP; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác VSATTP, vệ sinh môi trường, xây dựng làng “Văn hoá - Sức khoẻ” gắn với tiêu chí xây dựng “Nông thôn mới”.


Phạm Thanh Học
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất