(TG) - Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị thảo luận các nội dung và dự thảo chương trình hành động thực hiện các nghị quyết.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, tại hội nghị thảo luận đã có gần 200 lượt ý kiến phát biểu, thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí cán bộ cốt cán trong toàn tỉnh.
Nhìn chung các ý kiến đều thống nhất khẳng định việc ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề tại hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là hợp ý Đảng, lòng dân; đã kế thừa tốt kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ trước đến nay. Đồng thời xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới. Đây là những vấn đề rất quan trọng đã được đề cập trong Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, có tính thiết thực và cấp bách trong tình hình mới (nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay).
Các nội dung được nêu trong các Nghị quyết đã có sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; làm sáng rõ nhiều vấn đề mà cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân hết sức quan tâm như: đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công; bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân; công tác dân số. Những vấn đề nêu trên có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội, được dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm; được Đảng ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, nhất là tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp chưa cao; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân vẫn còn bất cập; công tác dân số còn nhiều lúng túng, vướng mắc...
Đối với Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên mạnh dạn thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế và đã cụ thể hóa bằng Kết luận 05-KL/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Do vậy, trong thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết này sẽ có một số kinh nghiệm và thuận lợi nhất định. Đồng thời cho rằng để việc triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả cần gắn với thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng, việc thực hiện giảm đầu mối, tinh giảm biên chế là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp và đảm bảo chất lượng dịch vụ công, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Đặc biệt cần phải tính toán và cân nhắc kỹ càng các giải pháp để triển khai Nghị quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trên diện rộng; tránh tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất trong cách làm giữa các cấp.
Đối với Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Các ý kiến cho rằng Trung ương xác định lộ trình, chỉ tiêu cụ thể như trong Nghị quyết là hợp lý; đề nghị tỉnh sớm xác định tỷ lệ và lộ trình thực hiện cụ thể về giảm đầu mối, biên chế hưởng lương từ ngân sách, tự chủ về tài chính để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, đồng thời xác định trách nhiệm đối với những đơn vị thực hiện không đạt theo kế hoạch.
Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết, các đơn vị nói chung, thành phố Hà Tĩnh nói riêng phải hết sức chú trọng kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên các lĩnh vực như các cơ sở giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại đồng thời tập huấn bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức để vận hành và thực hiện hiệu quả trong thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn khi thực hiện Nghị quyết này trong điều kiện hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu đồng đồng bộ, thậm chí chồng chéo, khó thực hiện triệt để các mục tiêu khi các quyết sách chưa được thể chế hóa mạnh mẽ.
Đối với Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.
Phần lớn các ý kiến đều thống nhất cho rằng nội dung Nghị quyết đã đề cập toàn diện về các yếu tố liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân đồng thời nhấn mạnh các giải pháp như: Công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng bệnh, rèn luyện thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe trước những tác động của môi trường; cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ, trang thiết bị y tế tuyến huyện. Thời gian qua nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến khả năng khám, chữa bệnh; trình độ chuyên môn y tế tuyến huyện… làm người dân bức xúc và giảm niềm tin.
Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì đây là yêu tố gây ra nhiều loại bệnh tật, nhất là bệnh hiểm nghèo đối với người dân.
Đối với Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Công tác dân số trong tình hình mới”.
Các ý kiến thảo luận chủ yếu tập trung vào một số vấn đề mang tính đề xuất, kiến nghị khi triển khai thực hiện Nghị quyết về dân số như: Trung ương cần có quy định cụ thể về chỉ tiêu định mức biên chế theo quy mô dân số; sớm có văn bản quy định cụ thể về chính sách dân số, có lộ trình, thời gian hợp lý, nhất là đối với cán bộ, đảng viên sinh trên 2 con; ban hành quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi (nhằm ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng giới tính như hiện nay); Chú ý phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khoẻ sinh sản trước hôn nhân. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng.
Các ý kiến đề nghị cả hệ thống chính trị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đối với sự phát triển của xã hội; đặc biệt chú trọng đến chất lượng dân số; thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; có chính sách quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình tại các thôn xóm, khối phố…
Ngoài ra các ý kiến cũng đề nghị Trung ương và tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là phổ biến, nhân rộng cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương, đơn vị; quan tâm việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp, các ngành./.
Trần Đình Hưng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh