Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện, thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của "Năm kỷ cương hành chính 2017". Ðây là tiền đề quan trọng để thành phố bước vào năm 2018 với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Lề lối làm việc, đạo đức, tác phong, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được đặc biệt chú trọng.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đánh giá: các nhiệm vụ do T.Ư và Thành ủy chỉ đạo và kế hoạch của UBND thành phố trong năm 2017 đã cơ bản hoàn thành với tỷ lệ đúng hạn, chất lượng cao. Thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc so với năm trước và là năm đầu tiên bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ ba cả nước, tăng sáu bậc so với năm 2015; chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ hai cả nước. Hà Nội đang là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn.
Trong năm 2017, kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị. Các cấp chính quyền thành phố đã xử lý kịp thời, nghiêm khắc, có tính chất răn đe đối với hành vi vi phạm kỷ cương hành chính của một số cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố tiến hành xử lý kỷ luật gần 60 cán bộ vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, đất đai, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Thường vụ Thành ủy quản lý. Ðồng thời xử lý nghiêm các cán bộ UBND phường Văn Miếu (quận Ðống Ða) vì có biểu hiện hành dân, cách chức hiệu trưởng và hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) vì không trung thực trong báo cáo, cố tình che giấu vi phạm trong vụ đi xe ta-xi trong sân trường, gây tai nạn cho học sinh... Những việc làm này tạo được dư luận đồng tình, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng, công tác cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu về chế độ thông tin, báo cáo. Chỉ số PCI tuy có sự cải thiện đáng kể, song còn năm chỉ số thành phần chậm chuyển biến, trong đó có chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt thấp. Hạ tầng, trang thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Năm 2018, với chủ đề "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị " thành phố hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Trên tinh thần đó, thành phố đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm của người đứng đầu; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú cho rằng, thành phố cần hướng tới xây dựng công chức văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện trong phục vụ người dân, doanh nghiệp; cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng phần mềm quản lý đầu việc, hồ sơ công việc, chất lượng cán bộ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử; chuẩn hóa số liệu, mẫu báo cáo. Cần triển khai đồng bộ "một cửa điện tử", tăng cường tuyên truyền để nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp giao dịch hồ sơ qua mạng.
Ðể cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ, chủ đề năm 2018, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đề nghị thành phố cho phép luân chuyển, biệt phái cán bộ để đào tạo chuyên môn tốt hơn, nâng cao chất lượng cán bộ. Từ thực tế địa phương, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng cần thường xuyên chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo lại kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức. Những lĩnh vực có quy trình liên quan tới hai bộ phận nên được đưa ra phòng "một cửa", khi đánh giá cán bộ nên thực hiện qua hai cấp để bảo đảm kết quả khách quan.
Ðể thực hiện chủ đề công tác năm 2018 đạt hiệu quả cao, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu ngay trong tháng 12-2017 các cấp ủy đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể. Ðồng chí lưu ý, trong quá trình xây dựng kế hoạch, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, gắn quyền hạn với trách nhiệm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, làm nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố sẽ lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; để bình xét thi đua của địa phương, đơn vị; đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đánh giá năng lực của người đứng đầu. Ðây sẽ là giải pháp để thực hiện công tác sắp xếp, luân chuyển cán bộ của thành phố thời gian tới.
An Trân/Nhân dân