Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 27/9/2011 6:13'(GMT+7)

Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình khẩn trương ứng phó với bão số 4

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

* UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, thống nhất phương án, bố trí lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp phòng chống bão. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cùng 5 huyện ven biển là Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh ngăn không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu, chằng chống đảm bảo an toàn, không để người ở lại trên thuyền. Các đơn vị bộ đội, công an lên phương án đưa lực lượng giúp nhân dân vùng ven biển, ven sông sơ tán đến nơi an toàn, hướng dẫn nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa, trường học. Ban phòng chống lụt bão tỉnh chỉ đạo các đơn vị bố trị lực lượng trực 24/24 giờ tại các hồ chứa nước như: Kẻ Gỗ, sông Rác, sông Trí, đập Kim Sơn để tránh sự cố xảy ra.

Theo Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển Hà Tĩnh: đến sáng 26/9, đang còn 10 thuyền với 35 người đang đánh cá trên biển chưa về nơi trú ẩn an toàn, trong đó xã Thạch Kim (Lộc Hà) có 6 thuyền, xã Thạch Bằng (Lộc Hà) có 4 thuyền. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi được 3.800 tàu cá với 13.700 ngư dân đánh cá vùng khơi, vùng lộng đã về nơi trú ẩn an toàn. Ông Biện Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: hiện xã Thạch Kim có 6 thuyền với 20 người ở các xóm Sơn Bằng, Giang Hà, Xuân Phượng đi đánh cá vào sáng 25/9 đã nhận được liên lạc bằng điện thoại di động và đang trên đường vào bờ. Hiện tại, chính quyền địa phương phối hợp với đồn biên phòng 164 ngăn chặn không cho ngư dân ra khơi đánh cá, đồng thời tuyên truyền ngư dân neo đậu tàu thuyền để trú bão. UBND xã Thạch Kim lên phương án di dời hàng chục hộ dân vùng cảng cá, vùng gần cửa Sót đến nơi an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền.

* Tại Quảng Trị, chính quyền và các ngành, đơn vị có trách nhiệm đã vào cuộc, cùng với người dân chủ động triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, di dời đồ đạc lên vùng cao, đồng thời tranh thủ thu hoạch lúa tránh bị mưa ngập. Có mặt tại cảng cá Gio Việt, huyện Gio Linh, phóng viên TTXVN thường trú tại Quảng Trị đã tận mắt chứng kiến ngư dân đang nỗ lực đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn. Không khí phòng chống bão số 4 thật khẩn trương. Ông Trần Hải Trung ở thôn Xuân Lộc cho biết: ngay khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, ông đã cho tàu thuyền trở về nơi trú ẩn. Trong sáng 26/9, tàu của ông cũng như các tàu của bà con trong thôn sẽ di chuyển vào sâu trong sông Hiếu để tránh bão. Khu neo đậu này không chỉ có tàu của ngư dân địa phương tới trú ẩn mà có một số tàu đánh bắt của ngư dân ở Quảng Bình cũng về đây tránh bão. Tại vùng biển bãi ngang của thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt gần bờ đã được ngư dân kéo lên bờ cách mép nước biển hơn 100 m. Ngư lưới cụ đã được ngư dân thu gom về nhà. Không chỉ tại Gio Linh, hầu hết các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Trị như Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ, người dân đã được đưa về nơi tránh trú bão an toàn.

Ông Nguyễn Văn Bài, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết: đến thời điểm hiện nay, Quảng Trị có 2.483 chiếc tàu thuyền, trong đó các tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn trên địa bàn tỉnh. Hiện chỉ còn 1 tàu QT 91089 do ông Nguyễn Văn Đạt làm thuyền trưởng đang đánh bắt tại vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo. Tất cả các tàu thuyền đều có thông tin liên lạc thường xuyên. Cùng với đó, tại nhiều địa phương, người dân tranh thủ thu hoạch lúa Hè Thu để tránh bão. Chính quyền các cấp đã vận động nhân dân tổ chức tốt việc thu hoạch lúa hè-thu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, lúa chín đến đâu thu hoạch ngay đến đó, từ sáng sớm hôm nay, người dân đã huy động nhân lực, vật lực thu hoạch lúa. Do mấy ngày vừa qua tại Quảng Trị có mưa, gây ngập úng cho hơn 2.100 ha lúa nên đã khiến công tác thu hoạch lúa của người dân gặp nhiều khó khăn. Không thể phơi được lúa, người dân thu hoạch lúa xong chỉ biết chất đống lại một chỗ. Dọc theo tuyến đường xuyên Á từ Quốc lộ 1A tới cảng Cửa Việt, hàng trăm đống lúa to được người dân chất lại ngay bên đường. Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa, trong đó huyện Hải Lăng, nơi được xem là vùng trũng nhất đã thu hoạch xong lúa Hè Thu; phần lớn số lá còn lại đang xanh, nếu mưa bão về gây đổ và ngập lụt, thiệt hại là sẽ rất lớn. Cùng với việc chèn chống nhà cửa; tổ chức phương án di dời dân, Quảng Trị còn chú ý bảo vệ an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; bố trí lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức các biện pháp sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. “Nếu xét thấy phải di dời mà người dân không chịu đi, các lực lượng chức năng sẽ phải cưỡng chế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Quân Chính nhấn mạnh.

* Ở Quảng Bình hiện có 4.266 tàu thuyền với 18.799 lao động trên biển đã vào bờ neo đậu, trú ẩn an toàn để tránh cơn bão số 4. Ứng phó với cơn bão số 4, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, các đơn vị chức năng trong tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời hướng dẫn và cùng nhân dân chủ động phòng, chống bão. Tỉnh chỉ đạo, Bộ chỉ huy Biên phòng, các huyện, thành phố… thực hiện trực ban 24/24 giờ để kịp thời ứng phó./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất