Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 29/11/2011 20:37'(GMT+7)

Sự tương hợp của kinh tế thị trường định hướng XHCN

Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, một trong các đột phá chiến lược là: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”. Điều đó, chứng tỏ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu ở nước ta. 

Thế nhưng, cho đến nay vẫn có các ý kiến công kích rằng, kinh tế thị trường không tương hợp với CNXH, phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Rằng về mặt lý luận, Đảng ta đang có sự “lúng túng, thiếu sự lý giải khoa học” về vấn đề này.

Nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội loài người trên quan điểm duy vật biện chứng, ai cũng hiểu rằng, từ khi hình thành và phát triển, xã hội loài người đã trải qua 5 phương thức sản xuất khác nhau, từ thấp đến cao. Đó là một quá trình lịch sử tự nhiên. Từ công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa đến CNXH, loài người đã sử dụng hai kiểu sản xuất để phát triển kinh tế-xã hội, đó là, kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp và kinh tế hàng hóa. Hai kiểu sản xuất này đã cùng đồng hành với sự phát triển của xã hội loài người. Trong thế giới hiện tại, nơi nào, khu vực nào trình độ sản xuất thấp, khả năng sản xuất chỉ đủ để giải quyết nhu cầu nội tại, nơi đó vẫn sản xuất mang tính tự nhiên tự cung, tự cấp. Chẳng hạn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng sâu, vùng xa của nước ta và các nước trên thế giới, điều này vẫn diễn ra một cách bình thường.

Phát triển kinh tế hàng hóa là một kiểu sản xuất được loài người lựa chọn rất đúng đắn và khoa học để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ. Sự tồn tại và phát triển của kinh tế hàng hóa cũng mang tính phổ biến và vận động một cách tự nhiên từ thấp đến cao. Có kinh tế hàng hóa sơ khai, kinh tế hàng hóa phát triển và kinh tế thị trường. Kinh tế hàng hóa sơ khai gắn liền với việc trao đổi mua bán mang tính ngẫu nhiên, vật đổi vật, hàng đổi hàng, do trình độ sản xuất còn thấp, lượng hàng hóa sản xuất ra còn hạn hẹp. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển dẫn đến việc mua bán trao đổi bằng vật ngang giá chung và tiền tệ xuất hiện. Sự xuất hiện của tiền tệ, vừa phản ánh trình độ phát triển cao của sản xuất hàng hóa, vừa thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn làm xuất hiện kinh tế thị trường. Kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường có cùng đặc trưng kinh tế là trao đổi và mua bán, nhưng khác nhau về quy mô và trình độ. Nếu kinh tế hàng hóa chỉ mới đạt đến trình độ trao đổi những hàng hóa đã được sản xuất để thu tiền, thì kinh tế thị trường mua bán tất cả những yếu tố liên quan đến sản xuất và bản thân tiền tệ cũng trở thành thị trường. Nói cách khác, mọi thứ đều được đưa ra thị trường để trao đổi, mua bán kể cả sản phẩm tư duy của con người.

Khi sản xuất hàng hóa phát triển đạt đến một trình độ nhất định, thì dẫn đến sự xuất hiện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chính sản xuất này đã làm cho kinh tế thị trường xuất hiện và phát triển với tốc độ cao. Sự vận động theo quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường đã dẫn đến khủng hoảng và suy thoái là căn bệnh kinh niên không có liều thuốc cứu chữa của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, đẩy chủ nghĩa tư bản đến thời điểm cực độ về sự phân hóa giàu - nghèo. Các cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc cách mạng nổ ra trong thế kỷ XX và các cuộc khủng hoảng, suy thoái, nợ công... đang tiếp tục trong thập niên đầu thế kỷ XXI, cho thấy rất rõ điều đó. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được sản sinh ra ngay trong lòng xã hội tư bản, nhiều nhà tư bản chấp nhận bộ Tư bản và sử dụng làm sách "gối đầu giường". C.Mác đã chỉ rõ, chính trên nền tảng kinh tế do chủ nghĩa tư bản tạo ra, sẽ sản sinh ra một xã hội mới tốt đẹp hơn, theo quy luật của tự nhiên, CNXH xuất hiện là điều hiển nhiên. Kinh tế thị trường được những người cộng sản kế thừa và điều hành thông qua bộ máy nhà nước và hệ thống luật pháp XHCN để sản xuất phục vụ đời sống của đại bộ phận nhân dân, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Điều khác nhau căn bản giữa kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng XHCN là, một bên chỉ vì một nhóm người ở “Phố Uôn”, còn một bên vì toàn xã hội. Cần hiểu rằng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình kinh tế mang tính sáng tạo xuất phát từ thực tiễn chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế, do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng, lãnh đạo và được toàn dân ủng hộ. Kinh tế thị trường không phải là mục tiêu, mà chỉ là công cụ, phương tiện, là tiền đề, là điều kiện để những người cộng sản Việt Nam thực hiện mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, khi mục tiêu đó được thực hiện, thì kinh tế thị trường sẽ phát triển một cách mạnh mẽ theo định hướng XHCN. Chính điều đó, sẽ làm cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta tồn tại và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, sau hơn 25 năm kiên trì đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong 10 năm gần đây (từ năm 2000 đến năm 2010) bình quân hơn 7%, trong khi nền kinh tế thế giới đang lâm vào thời kỳ khủng hoảng và suy thoái, nhiều nước thuộc đồng tiền chung châu Âu đang rơi vào tình cảnh nợ công tăng cao vượt tầm kiểm soát của chính phủ. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo của nước ta được Liên hợp quốc đánh giá cao, vị thế Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia và trung tâm kinh tế lớn trên thế giới đã công nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta. Đó là, những thành quả hiện thực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, một sự sáng tạo mang tính khoa học của Đảng và được toàn dân ủng hộ. Một thời kỳ mới đang mở ra, Đại hội XI của Đảng, khẳng định: “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Cần nhận thức rõ, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đang trong quá trình hình thành và phát triển, do đó, thể chế của nền kinh tế thị trường còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, năng lực điều hành kinh tế vĩ mô còn hạn chế, dẫn đến cơ cấu nền kinh tế bất hợp lý, nhất là đầu tư công, vừa thiên lệch, vừa kém hiệu quả. Chính vì vậy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là một trong ba đột phá chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta trong những năm tới. Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung giải quyết các vấn đề, vừa cơ bản, vừa cấp bách, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, bằng các bước đi, biện pháp cụ thể như bổ sung, chỉnh sửa Hiến pháp 1992, ban hành, bổ sung tiến tới đồng bộ hóa luật pháp, nâng cao trình độ, năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của bộ máy nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính... Mới đây, Nghị quyết Trung ương 3, khóa XI chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua kế hoạch xây dựng luật pháp toàn khóa và hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 - đó là những bước đi cụ thể trong tiến trình thực hiện các đột phá chiến lược đã được vạch ra, nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Như vậy, thực tế hiển nhiên của lịch sử phát triển kinh tế thế giới và nước ta, hoàn toàn bác bỏ những quan điểm sai lầm cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, nó không tương tác với CNXH. Rõ ràng, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang phát triển một cách đúng đắn, thực chất, bền vững ở nước ta chứ không phải như một số kẻ xuyên tạc./.

Đại tá, PGS, TS. HOÀNG MINH THẢO

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất