Tuy nhiên, các trường đại học muốn tự chủ được cần phải có nguồn tài
chính tương ứng mà phần đóng góp chủ yếu, không gì khác chính là học phí
của sinh viên. Đấy là lý do để các trường đại học đề ra những mức học
phí cao hơn trước đây khá nhiều. Tính sơ bộ, mức học phí thấp nhất của
các trường đại học theo mô hình tự chủ khoảng 15 triệu đồng mỗi năm cho
một sinh viên.
Một trong những vấn đề chúng ta đang quan tâm là học phí cao sẽ tác
động như thế nào tới sinh viên và gia đình của họ. Những giải pháp nào
có thể giúp sinh viên và gia đình mình tháo gỡ được khó khăn về tài
chính?
Ghi được một suất vào các trường đại học là một việc không dễ với
phần lớn học sinh trung học phổ thông. Phải miệt mài đèn sách mười hai
năm, phải trải qua những vất vả lo toan, phải cạnh tranh không hề nhẹ
với các bạn cùng lứa. Khi cầm được tờ giấy thông báo trúng tuyển đại
học, trong các em đan xen niềm vui, nỗi lo dễ thấy. Vui vì ước mơ đủ
điểm vào trường đại học. Lo, chao ơi, nỗi lo gói lại trong một chữ tiền.
Bố mẹ có đủ tiền cung cấp cho mình đi hết 4 hoặc 5 năm đại học không,
trong đó gánh nặng học phí sinh viên chẳng phải gia đình nào cũng chịu
được.
Một thực trạng không che giấu nổi là phần đông dân ta còn nghèo, ở
vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng nông thôn..., ngoài ăn mặc, để dôi ra
được 1 triệu đồng mỗi tháng cũng đâu có dễ. Học phí cao thực sự là thử
thách, là bức tường không dễ vượt của những gia đình sinh viên nghèo. Hệ
quả, không ít con em nhà nghèo phải ngậm ngùi giã từ giấc mơ đại học
của mình. Trường đại học chỉ còn là nơi bước tới của con em những nhà có
điều kiện.
Và, điều rất đáng buồn sẽ xảy ra, sự phân hóa giàu nghèo vốn
đã sâu sắc càng sâu sắc thêm ngay trước cổng trường đại học. Chưa hết
bi kịch. Có những gia đình khó khăn nhưng vẫn cố vay mượn tiền nong lo
cho con cái được bước tới giảng đường, nhưng sau đó thì nợ nần ngày thêm
chồng chất, gánh nặng kinh tế đè lên vai bố mẹ nghèo ở quê. Không phải
không có em đã bỏ học giữa chừng hay phải nhắm mắt đưa chân làm những
việc x y z gì đó để kiếm tiền.
Học phí sinh viên đã và đang trở thành vấn đề xã hội. Giải quyết thế
nào đây để hài hòa được giữa xu thế tự chủ hóa của các trường đại học
với khả năng chi trả học phí của sinh viên. Theo tôi, trước hết, các
trường đại học phải tính toán mức học phí phù hợp với thu nhập trung
bình của nhân dân ta hiện nay. Nghĩa là, nhà trường cũng phải biết chia
sẻ với một bộ phận không nhỏ cư dân nghèo khó. Nhà nước và các trường
đại học nên có sự ưu tiên giảm nhẹ mức học phí ngay ban đầu cho các em
học sinh khó khăn học giỏi hiện nay; áp dụng chế độ học bổng với các
sinh viên giỏi; các doanh nghiệp nên tiên phong trong việc trợ giúp cho
sinh viên nghèo đến trường như một việc làm nhân văn và chuẩn bị nhân sự
cần thiết cho tương lai.
Cần có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh
nghiệp. Nhà trường có thể liên hệ, giới thiệu những sinh viên khá, giỏi
đang gặp khó khăn về kinh tế cho các doanh nghiệp để họ xem xét hỗ trợ
kinh phí. Tôi nghĩ tới những bản hợp đồng hai bên cùng có lợi giữa các
doanh nghiệp và sinh viên. Ở góc nhìn khác, tôi nghĩ các địa phương nên
có những quỹ hỗ trợ cho sinh viên khó khăn. Quỹ này được huy động chủ
yếu bằng phương thức xã hội hóa.
Công việc nào cũng cần một chữ Tâm. Cái Tâm vì đất nước, vì nhân dân
thật đáng được đề cao và tôn vinh. Giúp con em những gia đình nghèo khó
thực hiện được ước mơ bước đến giảng đường đại học là việc làm tốt đẹp,
mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Hy vọng, với sự chia sẻ sâu rộng của xã
hội, từ chính quyền, đoàn thể, nhà trường, doanh nghiệp... nhiều học
sinh nghèo được tiếp sức để vào đại học. Đấy cũng là một dẫn chứng sinh
động về lòng nhân ái trong xã hội ta./.
Nguyễn Hữu Quý (qdnd.vn)