Thứ Ba, 17/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 20/12/2019 15:41'(GMT+7)

Hành khúc tiểu đội con gái

Bản nhạc Hanh khuc tieu doi con gai

Bản nhạc Hanh khuc tieu doi con gai

Vốn yêu ca hát, tôi có may mắn được là khán giả của Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (tháng 12/2018). Trong chương trình hôm ấy, tôi ấn tượng bởi 1 ca khúc có cái tên rất đặc biệt: “Hành khúc tiểu đội con gái”. Đó là một sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Tiết mục do tốp ca nữ Đoàn Văn công Phòng không - Không quân (PK-KQ) biểu diễn đã đạt Huy chương bạc. (Với phần dàn dựng và hoà âm phối khí của nhạc sĩ Mai Kiên; Biên đạo: NSƯT Hải Yến cùng phần thực hành trống của Nhạc sĩ Hoàng Tùng).

Bài hát được viết ở nhịp 2/4 thể loại hành khúc, theo giọng Son trưởng, khúc thức A-B. Bài có phần lời như sau:

Tiểu đội toàn con gái, sao trên mũ trên vai. Mắt như là sao mai, má như quả chín hồng. Tiểu đội toàn con gái, đi đội ngũ một hai, cứ như là con trai, bước đi thật là oai. Em là tiêu đồ, học múa trên núi trên sông. Em là báo vụ, học hát trên ngón tay mềm. Em là thông tin, học nói những lời có cánh. Em là nuôi quân, ngọt canh, ngọt cơm, ngọt cả nụ cười.

Tiểu đội toàn con gái, quê mỗi đứa mỗi nơi, đứa là người miền xuôi, có đứa người trên ngược. Tiểu đội toàn con gái, tính nết khác nhau xa, đứa luôn mồm ba la, đứa nhớ nhà ngồi xa. Nhưng tình yêu này, ngày tháng ta vẫn bên nhau. Với tri thức trẻ, nguyện đem dâng hiến cho đời. Yêu tình yêu thương, được sống trong tình đồng chí. Mẹ thân yêu ơi, con đã trưởng thành rồi.

La la la… Tiểu đội em, tiểu đội con gái, đố con trai sánh bằng.

Sau khi chương trình kết thúc, tôi có may mắn gặp nhạc sĩ Ngọc Khuê và được ông cho biết: Bài hát này ra đời khi ông đi thực tế sáng tác tại Trường Trung cấp Kỹ thuật  PK-KQ. Những thành phần học viên của trường dễ đến non nửa là chiến sĩ gái, chủ yếu học tập các ngành nghề như: Tiêu đồ (dẫn đường bay), Thông tin, Báo vụ, Nuôi quân… Được đến với những “lớp học con gái” mới thấy tin yêu những cô gái vừa rời ghế nhà trường phổ thông, vào bộ đội đã trưởng thành hẳn lên, với những bộ quân phục xinh tươi, tết bím tóc 2 bên, giày dép nghiêm chỉnh, đều tăm tắp, mười người như một, trăm người như một, mới thấy đáng yêu làm sao…”

Mở đầu bài  hát, tác giả đã sử dụng dấu chấm dôi đặt cạnh nốt móc đơn và sau đó là móc kép, nốt đen, tạo nên một sự nhí nhảnh trẻ trung. Tiết tấu được giữ nguyên cho đến hết đoạn A. Khi xướng âm lên ta như thấy đó là bước chân của các cô gái đang đi một - hai, mà dấu chấm dôi ấy như là lúc các cô bước nhầm chân, phải dồn bước để sửa lại cho đúng. Đi liền với tiết tấu đó là lời ca cũng không kém phần nhí nhảnh ngây thơ. “Tiểu đội toàn con gái, sao trên mũ trên vai, mắt như là sao mai, má như quả chín hồng”. Các cô gái tuổi mười tám đôi mươi, mắt sáng, má hồng, hai bím tóc đuôi sam ngúc ngoắc rất duyên. Tuy vậy, các cô cũng đâu có kém con trai, cũng “đi đội ngũ một hai, bước đi thật là oai”.

Cuối câu, nét nhạc chợt ngân dài bởi hai nốt trắng được nối với nhau bằng dấu nối. Đó có lẽ cũng chính là lúc các cô nghỉ giải lao trong giờ luyện tập ngoài thao trường, cùng kể cho nhau nghe về ngành nghề mình chọn. Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã “thi vị hóa” các ngành  nghề ấy qua lời ca: “Em là Tiêu đồ, học múa trên núi trên sông. Em là Báo vụ, học hát trên ngón tay mềm. Em là Thông tin, học nói những lời có cánh. Em là Nuôi quân, ngọt canh ngọt cơm, ngọt cả nụ cười…”

Động tác cô gái vẽ tiêu đồ mà được thi vị như “học múa trên núi trên sông”. Còn cô báo vụ gõ cần manip “tictic tè, tictic tè…” mà được liên tưởng đang “học hát trên ngón tay mềm”. Cô thông tin trả lời qua bộ đàm, lời nói được mã hóa phát trên sóng đã “có cánh” để bay đi, và cách chơi chữ “những lời có cánh” của nhạc sĩ khiến ai đã nghe giọng nói dịu dàng của cô cũng có cảm giác thân thương, dễ mến. Cô nuôi quân thỏ thẻ: ngoài việc “ngọt canh ngọt cơm”, em còn “ngọt cả nụ cười”.

Sau những giờ tập luyện trên thao trường chẳng kém gì con trai, các cô gái lại về sinh hoạt chung một tiểu đội. Cuộc sống xa nhà khiến họ xích lại gần nhau hơn, chia sẻ, tâm sự về gia đình. Hãy lắng nghe các cô gái ấy vô tư kể: “Tiểu đội toàn con gái, quê mỗi đứa mỗi nơi. Đứa là người miền xuôi, có đứa người trên ngược”.  Qua sự quan sát của nhạc sĩ Ngọc Khuê, các cô mỗi người mỗi tính cách, sở thích riêng. “Tính nết khác nhau xa. Đứa luôn mồm ba la, đứa nhớ nhà, ngồi xa…”. Nhưng dù họ là ai, ở miền quê nào, tính cách ra sao thì trên hết vẫn là tình yêu thương sẻ chia, là tình bạn, tình đồng chí. Ai cũng hăng say học tập và rèn luyện, muốn đem tri thức của mình để phục vụ quan đội và Tổ quốc. Và còn một chút duyên con gái đáng yêu (để còn khoe với mẹ): “Mẹ thân yêu ơi, con đã trưởng thành rồi”. Tôi chợt liên tưởng đến suy nghĩ của người nữ chiến sĩ trong ca khúc “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ” của nhạc sĩ Thuận Yến: “Ở nơi xa, mẹ có hay chăng. Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, mang trên mình một màu xanh yêu thương. Ở nơi xa, cuối sông hay đầu suối, con vẫn nhớ về miền quê gian lao, nơi cánh  chim hồng trời xanh bay cao”. Đó là một chút nhớ nhà rất duyên, rất riêng của con gái, thật đáng yêu, đáng trân trọng. 

Trở lại câu hát cuối bài, nét nhạc chợt vút lên bởi cao độ la - đố, pha- son với tiết tấu hàng loạt chấm dôi đi liền ca từ “la la…” như mô phỏng những bước nhảy chân sáo hồn nhiên của các nữ chiến sĩ, lạc quan, yêu đời, vui vẻ và thân thiện. Các cô vừa đi vừa hát: “Tiểu đội em, tiểu đội con gái. Đố con trai sánh bằng”. Cuối bài là câu nói dí dỏm vừa pha chút nũng nịu nữ tính dễ thương, vừa như lời khẳng định, lại như thách đố: “đố con trai sánh bằng”. Khi viết những dòng này, tôi liên tưởng đến đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta vừa vô địch Seagames 30. Các cô đã ngầm khẳng định: điều gì con trai làm được thì con gái cũng chẳng chịu thua. Và trong truyền thống của dân tộc ta, ở tất cả mọi thời đại, các nữ chiến sĩ trong quân đội cũng đâu có kém con trai.

          Về bài hát này, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết thêm: Đây là một ca khúc ông viết khá lâu rồi, với tên gọi lúc đầu là “Tiểu đội con gái”. Đến năm 2018, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức “Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp” toàn quân, dành cho các đoàn Văn công chuyên nghiệp trong Quân đội như: Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội; các đoàn Văn công chuyên nghiệp của các Quân khu, Quân chủng, trong đó có đoàn Văn công Quân chủng PK - KQ. Với yêu cầu của đoàn Văn công Quân chủng PK -KQ, ông đã chỉnh sửa để hoàn thành ca khúc với tên gọi: “Hành khúc Tiểu đội con gái” cho rõ tính hành khúc, khắc họa phần nào tính “con gái” nhưng cũng rất nền nếp, oai phong…”

Kể từ khi ra đời, bài hát đã nhanh chóng được mọi người yêu mến, đặc biệt là các chiến sĩ nữ, bởi vì ai cũng thấy mình có mặt trong đó, dù ít, dù nhiều, ngay kể cả khi họ đã trưởng thành, là nữ cán bộ cấp cao trong Quân đội. Cũng theo lời nhạc sĩ Ngọc Khuê, tháng 10/2019 vừa rồi, Đoàn Nghệ thuật quần chúng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dàn dựng ca khúc này cho tốp ca nữ tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Lực lượng vũ trang và Thanh niên Sinh viên toàn quốc năm 2019 tại Nhà hát Quân đội, Thành phố Hà Nội. Chắc hẳn bài hát “Hành khúc tiểu đội con gái” sẽ được khán giả đón nhận, và sẽ là bài ca đi cùng năm tháng trong đời sống âm nhạc nước nhà.

Chúng ta có thể nghe ca khúc này theo đường dẫn dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?reload=9&v=7oNHe-eZkZ4&feature=youtu.be&fbclid=IwAR0R2tbxhC-B4wWJAgDa8VdjCkWdPnSKyz2TUeNCjptrx-x7EF-jiY4YZTI

Diễm Nguyệt (CTV)

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất