Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 8/9/2014 9:0'(GMT+7)

“Hạnh phúc của người dân là thước đo sức sống của mặt trận”

Sẽ tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nói đến giám sát là chúng ta kiểm tra việc thực hiện chính sách, đường lối hiện nay trong thực tiễn như thế nào. Nói đến phản biện là nói đến góp phần xây dựng chủ trương, chính sách mới sẽ được triển khai trong tương lai. Hai nhiệm vụ này Mặt trận đã làm trong những năm qua với mức độ khác nhau. Ví dụ trong công tác giám sát, ở cơ sở có ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng hoặc hoạt động thực hiện dân chủ cơ sở.

Về phản biện, trong góp ý xây dựng văn bản liên quan đường lối chính sách, thời gian qua ở các cấp Mặt trận triển khai rất tích cực. Ví dụ, việc đóng góp xây dựng Hiến pháp, trong số 22 triệu lượt người đóng góp ý kiến thì Mặt trận tổ chức cho các thành viên của mình tham gia đóng góp ý kiến với 8 triệu người. Luật đất đai vừa qua được nhân dân rất quan tâm, Mặt trận cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận, góp ý.

Như vậy, giám sát và phản biện, Mặt trận đã làm nhưng lần này làm với nội dung nhiều hơn với mức cao hơn. Giám sát xác định rõ MTTQ Việt Nam và 5 tổ chức chính trị-xã hội: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có quyền giám sát độc lập.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: 5 tổ chức này và Mặt trận có quyền giám sát. Nghĩa là với vấn đề mà các tổ chức này hoặc Mặt trận thấy nhân dân quan tâm, muốn tìm hiểu rõ đường lối chính sách, luật pháp, chương trình của Chính phủ, chính quyền các cấp thực hiện như thế nào thì họ tổ chức giám sát. Các yêu cầu đó lâu nay chưa làm đến mức đó. Theo đó, để làm được điều này phải có cơ chế. Vì vậy, tháng 12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành quy chế tổ chức thực hiện giám sát phản biện của MTTQ VN và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như quy định MTTQ VN, các đoàn thể nhân dân thực hiện việc tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng.

Với văn bản này, Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên có cơ chế để triển khai tốt hơn. Theo hướng đó, vừa qua MTTQ Việt Nam đã thảo luận trong Ủy ban Trung ương và báo cáo với Chính phủ hiện nay đã và đang triển khai 5 nội dung giám sát cấp quốc gia và các địa phương vừa tham gia đồng bộ hoặc chọn lọc theo điều kiện của mình. Chưa bao giờ chúng ta có giám sát như vậy.

Ví dụ, chúng ta rất quan tâm là sau 40 năm kết thúc chiến tranh, làm thế nào những người có công được Đảng, Nhà nước ghi nhận, hỗ trợ trong cuộc sống. Trên cơ sở đó Mặt trận đã kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo MTTQ VN cùng Bộ LĐ-TB&XH thực hiện cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Việc tổng rà soát này từ năm 1954 đến nay chúng ta chưa làm vì mất rất nhiều sức lực, bản thân bộ máy nhà nước không đủ người làm, vì vậy lần này Mặt trận chủ trì phối hợp có Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ, Hội nạn nhân chất độc da cam tham gia. Các đoàn thể này đang thực hiện rà soát tất cả những người có công thuộc 7 đối tượng, đồng thời khẳng định đã được hưởng đúng và đủ chính sách.

Ngoài ra, các cơ quan tổ chức liên quan cũng đã phối hợp kí kết chương trình giám sát chất lượng đầu vào nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, giống cây con, thuốc bảo vệ thực vật để người nông dân không phải mua những thứ không đảm bảo chất lượng. Điều này đã được kí kết giữa Hội nông dân Việt Nam, MTTQ VN, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT. Ngoài ra còn kí kết với Tổng liên đoàn lao động VN về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, y tế cho công nhân. Trong chương trình có sơ kết để nâng hiệu quả và quy mô.

Đây là việc làm rất mới, nhưng vừa qua các đoàn thể, ban ngành phối hợp chặt chẽ và bắt đầu triển khai.

Tỉ lệ người ngoài Đảng tham gia Mặt trận ngày càng nhiều

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ lần thứ 8, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như chỉ đạo của Ban Bí thư, từ cuối năm 2013, các cơ sở đã tiến hành kiểm định và từ quý IV năm 2013 đến hết tháng 7/2014 đã hoàn thành đại hội tại 63 tỉnh thành các cấp xã, huyện, tỉnh. Việc tổ chức đại hội này thể hiện tinh thần đổi mới, tổng kết kết quả nhiệm kỳ 5 năm cũng như hướng tới những yêu cầu mà Hiến pháp 2013 đã xác định MTTQ cũng như những tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã vạch ra.

Khi tiến hành đại hội ở cấp xã đã có thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về nội dung Mặt trận cấp xã, huyện, tỉnh và định hướng cấp Trung ương. Đây là hoạt động mang tính chất chính trị- xã hội rộng rãi, phát huy được sáng kiến của các đoàn thể, tầng lớp nhân dân.

Theo yêu cầu, đã đạt được: Thứ nhất - đảm bảo được tiến độ đến tháng 7 hoàn thành ở 3 cấp ở 63 tỉnh thành; thứ 2 - về nội dung thảo luận sâu sắc, tổng kết và có đổi mới; thứ 3- thành phần lãnh đạo Mặt trận các cấp so với nhiệm kỳ trước đều tăng thêm, qua đó góp phần tăng đại diện các tầng lớp nhân dân.

Tuổi bình quân của cán bộ UB MTTQ cấp xã, huyện, tỉnh trẻ hơn nhiệm kỳ trước. Ở cấp xã, 90% Chủ tịch tham gia cấp ủy, còn ở cấp huyện, tỉnh là 100%. Trong đó tham gia thường vụ ở cấp huyện là 58%, cấp tỉnh là trên 60%. Tỉ lệ người dân không phải đảng viên tham gia MTTQ các cấp cũng tăng hơn trước. Có thể nói, đại hội đại biểu các cấp đã tạo tiền đề rất quan trọng để hướng tới chuẩn bị Đại hội cấp Trung ương.

Sau khi MTTQ các cấp tỉnh tiến hành đại hội, song song với đó, ở Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ các khóa, ý kiến của các đồng chí cách mạng lão thành, ý kiến của các chuyên gia về chương trình công tác Mặt trận nhiệm kỳ mới cũng như sửa đổi điều lệ. Sau đó đã đăng dự thảo báo cáo chính trị trên báo Nhân dân, báo Đại đoàn kết, báo điện tử của Mặt trận làm cơ sở thu hút ý kiến của nhân dân.

“Sau ngày 5/9, chúng tôi đã sơ kết ý kiến và hoàn chỉnh văn bản cuối cùng. Cùng với đó, công tác truyền thông đã được đẩy mạnh để tạo sự quan tâm và có sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên trong xây dựng báo cáo chính trị, thay đổi điều lệ”- ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ đề của đại hội lần này là “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển”. Đoàn kết là nói lên chức năng của Mặt trận, tập hợp đoàn kết nhân dân trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Dân chủ là ở cả hai phía, trong hệ thống Mặt trận cũng phát huy dân chủ, phát huy sáng kiến của nhân dân từ cơ sở để có chương trình hoạt động hợp lý đồng thời hoạt động của Mặt trận, góp phần quá trình dân chủ trong xã hội. Về đổi mới, vừa phải đổi mới công tác Mặt trận, góp phần vào đổi mới của đất nước. Và phát triển, mặt trận cũng phải phát triển cùng góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Tiêu đề lần này là phát huy sức mạnh đại đoàn kết  toàn dân tộc, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.

Hạnh phúc của người dân là thước đo sức sống của mặt trận

“Trong chủ đề này, vế phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và sức mạnh của chúng ta, nhưng có nội dung lớn thứ 2 là giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia. Đó là những đòi hỏi hiện nay và trong thời gian tới. Về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhưng chúng tôi thêm “hạnh phúc”- “hạnh phúc” này là thước đo sức sống của mặt trận đối với cơ sở”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó xác định 5 chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ tới vừa phản ánh chức năng nhiệm vụ, vừa phản ánh đòi hỏi cuộc sống hiện nay. Thứ nhất là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lâu nay công tác tuyên truyền chúng ta vẫn làm nhưng lần này đòi hỏi nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tập hợp các tầng lớp nhân dân trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình thứ 2 là phát huy tinh thần sáng tạo, sự tự quản của nhân dân để thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là sáng tạo, tự quản của nhân dân cơ sở. Những phong trào lâu nay vẫn làm nhưng làm rõ mô hình trong từng lĩnh vực, sáng tạo, sự tự quản của nhân dân.

Chương trình thứ 3 là phát huy dân chủ đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh. Đây là nội dung vừa truyền thống, đồng thời mang tính thời sự cao. Vì Mặt trận luôn gắn bó với dân, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng vế thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng vững mạnh là nội dung mới, được ghi vào Hiến pháp 2013 và MTTQ Việt Nam bổ sung nội dung này một cách đậm hơn, phù hợp hơn trong chương trình thứ 3.

Chương trình thứ 4, mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường hữu nghị hợp tác quốc tế. Đây cũng là công tác truyền thống nhưng lần này mở rộng, tăng cường công tác hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng, các nước ở ASEAN và bạn bè quốc tế,

Chương trình thứ 5, hoàn thiện cơ chế hoạt động của MTTQ VN, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện MTTQVN, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp ngày càng hoàn thiện hơn với cơ quan của chính quyền, các đoàn thể khác, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng thì việc nâng cao chất lượng công tác mặt trận, nâng cao điều kiện công tác mặt trận là rất quan trọng./.

Theo VOV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất