Thứ Năm, 12/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 8/4/2022 15:25'(GMT+7)

Hậu hiện đại có phải là cái cớ của sự tù mù vô nghĩa?

Tranh "Người thổi sáo" của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều.

Tranh "Người thổi sáo" của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều.

Hậu hiện đại không phải là cái cớ cho sự lười biếng, ngụy tạo hay đánh lừa về mặt giá trị. Nếu nhìn vào hạt nhân của khuynh hướng này với các điểm chủ chốt như mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực, ngôn ngữ (kí hiệu - cái biểu đạt) với thực tại (cái được biểu đạt), trật tự của thế giới từ trong ngôn ngữ, chúng ta sẽ nhận ra tâm thức hậu hiện đại, điều kiện hậu hiện đại, khuynh hướng hậu hiện đại, văn chương nghệ thuật hậu hiện đại… là những chủ điểm quan trọng, biểu đạt trạng thái, tình thế của con người khi đối diện các vấn đề của tồn tại.

Trước hết, cần phải nhận thức rằng, hậu hiện đại không phải là một giai đoạn tiếp theo sau khi hiện đại kết thúc. Hậu hiện đại là một trạng thái, một tâm thức, một điều kiện, nảy sinh trong các môi trường có tính phản biện lại trật tự và niềm tin vào các đại tự sự. Bởi thế, ngay trong lòng chủ nghĩa hiện đại, những mầm mống của hậu hiện đại đã nảy sinh hoặc như một số nhà nghiên cứu đề xuất, mỗi thời kì đều có yếu tố hậu hiện đại của nó. Với sự hỗ trợ của triết học ngôn ngữ, khoa học công nghệ, sự mở rộng giới hạn của tư duy, hiểu biết, tri thức, đồng thời đứng trước các hiểm họa đe dọa đến tồn tại của con người, mầm mống hậu hiện đại đã được kích hoạt. Tóm lại, hậu hiện đại là cơn kịch phát của hiện đại, nhằm biểu đạt tình thế của con người khi không còn tin vào những trật tự ổn định, không còn tin vào những định chuẩn đã được kiến tạo từ tiền hiện đại và hiện đại.

Bàn về khái niệm hậu hiện đại, buộc lòng chúng ta phải đụng chạm đến nhiều bình diện thuộc về nội hàm của nó. Tuy nhiên, với một diễn giải ngắn, hướng đến hình dung sơ giản về hậu hiện đại, có lẽ một số điểm căn bản sau đây sẽ gợi ý cho độc giả một hoặc một số điểm nhìn, nhằm có thể thỏa thuận được với các văn bản văn học nghệ thuật trong tinh thần và tri thức hậu hiện đại.

Thứ nhất: Tại sao lại có thuật ngữ hậu hiện đại? Thuật ngữ này ra đời sớm ở Mĩ và châu Âu, tuy nhiên, đến nửa sau thế kỉ XX (kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2), hậu hiện đại mới thực sự bùng nổ. Đó là khái niệm phản ánh tâm thức của con người khi đứng trước những hiểm họa của thiên tai, chiến tranh, sự sống, cái chết… Thực ra, tình thế này không mới với tồn tại người. Thế nhưng, khi con người hiểu biết nhiều hơn (nhờ công nghệ, tri thức), văn minh hơn (với các thành tựu kĩ thuật, công nghiệp), họ bỗng nhận ra giới hạn của tồn tại một cách khắc nghiệt, riết róng hơn. Bởi thế, hoang mang, hoài nghi, sợ hãi hoặc phê phán, phủ định, giễu nhại những niềm tin đinh ninh, chắc chắn… cũng theo đó mà trổ mầm trong tâm hồn, trí tưởng (cả trong vô thức) của con người. Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời như là một sự phản ứng với những định hình chứa đựng giới hạn trong chủ nghĩa hiện đại (kéo dài ở Âu - Mĩ từ thời kì Phục hưng đến đầu thế kỉ XX). Đó là tiền đề văn hóa, xã hội, tinh thần của hậu hiện đại.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Thứ hai: Đại tự sự là gì? Vì sao hậu hiện đại lại hoài nghi và phê phán các đại tự sự? Hiểu một cách đơn giản, đại tự sự là những câu chuyện lớn, những sự kiện lớn, những niềm tin lớn, trở thành ý chí phổ quát, huyền thoại, tỏa bóng lên đời sống của con người. Đại tự sự duy trì niềm tin vào các giá trị có tính định chuẩn và nỗ lực quy tụ ý chí của con người, thuyết phục con người về sự tồn tại không thể bác bỏ của những giá trị lớn. Chẳng hạn, trong xã hội phương Đông, với người phụ nữ truyền thống, tam tòng, tứ đức là các đại tự sự. Người phụ nữ được xem là chuẩn mực khi đáp ứng tối đa các định chế này. Thời hiện đại, văn học nghệ thuật và báo chí truyền thông đã nỗ lực để giải phóng phụ nữ, đưa họ thoát ra khỏi lễ giáo cứng nhắc. Các hoạt động thể thao, chợ phiên, khiêu vũ, phẫu thuật thẩm mĩ, hoạt động xã hội hồi đầu thế kỉ XX ở nước ta có thể là những dẫn chứng tiêu biểu cho quá trình phê phán lễ giáo hà khắc đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, phải đến sau 1986, trong công cuộc đổi mới và hội nhập mạnh mẽ với thế giới, sự phát triển của ý thức nữ quyền và bình đẳng giới mới thực sự đem đến những hình dung rõ ràng hơn về sự tồn tại như là giá trị tự thân, hoàn toàn, của người phụ nữ.

Về khía cạnh xã hội và văn hóa, những đại tự sự thuộc về niềm tin của đại chúng như tự do ngôn luận, tự do thân thể và đời sống cũng được củng cố và phát huy. Tuy nhiên, hậu hiện đại là bối cảnh mà ở đó, ngay cả tự do cũng được nhìn nhận một cách linh hoạt, tương đối, trong sự kiểm soát của ý thức tồn tại và quan hệ văn hóa, xã hội, lịch sử, thể chế… Tự do không có nghĩa là tùy tiện, là buông thả, muốn làm gì cũng được. Chẳng hạn, việc phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội về thông tin dịch bệnh, gây hoang mang cho nhân dân không thể biện minh bằng tự do ngôn luận. Một cá nhân có quyền từ chối việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Đó là tự do. Nhưng, tự do đó là không thể, khi quyết định của cá nhân làm ảnh hưởng đến cộng đồng, đến nỗ lực phòng - chống dịch bệnh của toàn xã hội. Tương tự như vậy, tự do và tự quyết về thân thể cũng sẽ chạm vào các giới hạn được kiểm soát khi nó gây tác hại đến an ninh, an toàn của cộng đồng. Tự do là khái niệm quan trọng của tồn tại người, nhưng đi kèm với nó là văn hóa và văn minh như là những thiết chế để tạo lập và giám sát các biểu hiện của con người hậu hiện đại.

Thứ ba: Đặc tính của hậu hiện đại là gì? Ngoài sự phê phán đại tự sự, khi rọi chiếu vào những hiện diện mang tinh thần và tri thức hậu hiện đại, chúng ta có thể nhận ra những đặc tính của nó trên cơ sở đối sánh một cách tương đối với chủ nghĩa hiện đại. Chẳng hạn, nếu chủ nghĩa hiện đại vẫn tin vào sự thống nhất thì hậu hiện đại phát hiện ra thực tại phân mảnh; nếu hiện đại định hình dựa trên các quy luật cấu trúc thì hậu hiện đại chú trọng đến việc giải cấu trúc để định hình trật tự đa dạng của tồn tại; nếu hiện đại là cho thấy quyền lực của các trung tâm thì hậu hiện đại kích hoạt các giá trị ngoại biên; nếu hiện đại quy chiếu về tính đồng thuận thì hậu hiện đại xác lập các nghịch luận; nếu hiện đại xem trọng đích đến thì hậu hiện đại chú trọng quá trình; nếu hiện đại đi tìm cái được biểu đạt thì hậu hiện đại cất lời về sự bình đẳng của cái biểu đạt; nếu hiện đại thấy phi lí thì hậu hiện đại thừa nhận phi lí; nếu hiện đại định hình cái toàn thể thì hậu hiện đại chỉ ra sự hiện diện của bộ phận; nếu hiện đại đề cao trật tự thì hậu hiện đại nhìn thấy sự hỗn mang; nếu hiện đại nỗ lực ổn định thì hậu hiện đại cảm nhận về sự khủng hoảng; nếu hiện đại đi tìm chân lí thì hậu hiện đại đi tìm sự thỏa thuận; nếu hiện đại đề cao văn bản thì hậu hiện đại phát hiện ra liên văn bản; nếu hiện đại là tuyệt đối thì hậu hiện đại là tương đối; nếu hiện đại hướng đến tất định luận thì hậu hiện đại là bất định luận… Còn nhiều khía cạnh khác nữa mà ta có thể hình dung dựa trên thực tại có tính phản biện, bổ sung, xác lập của hậu hiện đại so với hiện đại. Điều cần quan tâm là, hậu hiện đại với tính mở của nó đã góp phần nhận thức lại, bổ sung thêm vào cảm niệm, tri thức, tinh thần của con người. Theo đó, tính mềm dẻo, linh hoạt, không đông cứng và đề cao vai trò, ý nghĩa hiện diện của cái khác được xem là yếu tính của hậu hiện đại.

Như đã nói, thời nào cũng có thể có yếu tố hậu hiện đại của nó. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện phổ quát, ở mặt tiền của đời sống văn hóa, xã hội, nghệ thuật, từ sau Đổi mới, với tinh thần hội nhập, toàn cầu hóa, các thành tựu của công nghệ, Internet… đã tạo điều kiện cho tinh thần hậu hiện đại phát triển. Sự phong phú của các hình thức biểu đạt đời sống, văn hóa, nghệ thuật đã minh chứng cho điều đó. Ta có thể bắt gặp một kiến trúc cổ điển giữa lòng thành phố hiện đại. Đó là một phản ứng, một thái độ, một lựa chọn của con người hậu hiện đại, đi qua hiện đại và nhớ thương những bóng hình xa xôi trong kí ức. Trong một bảo tàng mĩ thuật, ta có thể nhận ra sự phong phú, bề bộn, bí ẩn hay mơ hồ, trật tự hay rời rạc của đời sống, của tinh thần con người qua một bức tranh. Chẳng phải hiện đại đi đến hậu hiện đại đã bắc cầu nối giữa S.Dali, P.Picasso đến Thành Chương, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Phượng Vỹ và các nghệ sĩ trẻ kế tiếp sao? Âm nhạc Underground chẳng phải là một biểu hiện của hậu hiện đại khi nó mô tả thế giới tinh thần ở bề sau, ở những góc khuất, ngầm ẩn, thường nhật của đời sống giới trẻ hiện nay sao?

Tuy vậy, hậu hiện đại là cơ hội nhưng nó cũng là kẽ hở, là cái cớ cho sự dễ dãi, lười biếng, giả trá hay ngụy tạo trong sáng tạo nghệ thuật (cần lưu ý rằng, sự ngụy tạo, trong một số trường hợp nhất định, cũng là một phẩm tính cho thấy tinh thần hậu hiện đại). Những bài thơ rời rạc, ngô nghê, tăm tối, vặn vẹo câu từ, cố tỏ ra bí hiểm hay xa lạ, có thể chẳng là gì cả ngoài một sự trống rỗng, vô nghĩa. Một bức tranh bôi bôi xóa xóa hệt như một bảng pha màu, một vật dụng thường ngày được mang vào trưng bày trong triển lãm… có phải là nghệ thuật không? Có thể không! Nhưng, kẻ nào không nhìn thấy “bộ quần áo mới của hoàng đế” thì rất dễ bị cho là ngu xuẩn. Thế nên, công chúng vẫn phải trầm trồ, gật gù, tư lự về sự “sâu sắc” của “tác phẩm nghệ thuật”. Người ta sẵn sàng đưa ra những biện minh cho sự tù mù, vô nghĩa, ngụy tạo này. Ví như, đó không phải là nghệ thuật mà là thái độ về nghệ thuật; hay tôi không trưng bày nghệ thuật mà trưng bày một quan niệm, một ý niệm về nghệ thuật.

Trình bày một sự hiểu sơ giản về hậu hiện đại, kì thực không hề đơn giản. Đó là một cơn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại; là một tâm thức, trạng thái của đời sống vốn chứa đầy mâu thuẫn, nghịch dị, khác biệt và bất định. Hậu hiện đại là tất cả dự phóng, là các khả năng mà con người có thể biểu đạt trong tính mở của nó. Dẫu như vậy, trong tinh thần và tri thức hiện đại - hậu hiện đại, chúng ta vẫn cần đòi hỏi ở người nghệ sĩ sáng tạo những chiều kích lớn lao mà logic nằm trong cấu trúc của niềm khao khát mang đến cho nhân loại những giá trị nhân văn, thẩm mĩ đích thực. Ở đó, sự giả trá, tù mù, tùy tiện hay nông cạn sẽ được giám sát và vạch trần./.

Thái Vũ (vannghequandoi.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất