Không ít lần dư luận phải đặt câu hỏi về tương lai sông Mekong, khi mà nó đang đứng trước những mối nguy lớn do biến đổi khí hậu và sự can thiệp thô bạo của con người.
Khi nước ngày càng trở thành nguồn tài nguyên quý hiếm, thì dòng Mekong càng trở thành câu chuyện được quan tâm hàng đầu đối với các quốc gia trong khu vực. Làm thế nào để khai thác hiệu quả nguồn lợi chung từ dòng sông Mekong mà không làm biến đổi tự nhiên, đồng thời đảm bảo duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực?
Hội nghị cấp cao các nước tiểu vùng sông Mekong - Nhật Bản lần thứ 4 chính thức diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/4, là một diễn đàn để các nhà lãnh đạo ở khu vực tìm lời giải cho vấn đề này. Bảo vệ lợi ích chung từ dòng Mekong chỉ có thể làm được với một quyết tâm và hành động chung của các quốc gia.
Với tổng chiều dài hơn 4.800km, gồm hơn 30 nhánh sông chính, Mekong là con sông lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 11 trên thế giới. Sinh kế của hơn 75% dân số trong lưu vực phụ thuộc vào con sông này thông qua việc canh tác nông nghiệp, khai thác thủy sản và rừng.
Nguồn lợi từ dòng Mekong không chỉ mang tính khu vực, mà còn vươn ra phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn những biến động tại “vựa lúa” nơi dòng Mekong chảy qua rất có thể tác động đến an ninh lương thực thế giới.
Quan trọng là thế, nhưng đã không ít lần dư luận phải đặt câu hỏi về tương lai sông Mekong, cũng như sự phát triển bền vững tại lưu vực con sông này, khi mà nó đang đứng trước những mối nguy lớn do biến đổi khí hậu và do sự can thiệp thô bạo của con người.
Những năm gần đây, đã có nhiều lời cảnh báo được đưa ra về tình trạng khai thác tận thu dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học tại lưu vực sông Mekong. Thậm chí, các chuyên gia về môi trường còn gióng lên hồi chuông báo động về khả năng dòng sông bị biến đổi dòng chảy, dẫn tới những thảm họa về môi trường nếu các đập thủy điện được xây dựng tràn lan trong khu vực.
Bảo vệ sông Mekong là việc làm hết sức cần thiết để duy trì nguồn thủy sản dồi dào, hỗ trợ sinh kế, cũng như đảm bảo thực phẩm cho hàng triệu người dân trong khu vực. Các nước đã nhận ra rằng, không thể tiếp tục hờ hững với tương lai của chính mình, mà buộc phải chung tay hành động vì một mục tiêu chung là đảm bảo lưu vực sông Mekong phát triển bền vững. Đó cũng là nội dung chính được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc họp cấp cao lần thứ 4 giữa các nước tiểu vùng sông Mekong và Nhật Bản.
Có thể nói rằng, các nước tiểu vùng sông Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, cùng với đối tác Nhật Bản, không chỉ đưa ra những cam kết mạnh mẽ, mà còn thiết lập được một cơ chế hợp tác rất tích cực vì sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực sông Mekong nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.
Cách đây 4 năm, tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản đầu tiên, các bên đã ra Tuyên bố Tokyo để tạo nền móng cho một loạt hoạt động hợp tác như đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng sông Mekong bằng các cam kết viện trợ hàng tỷ USD từ Nhật Bản, cũng như tạo cơ hội giao lưu nhân dân để tăng tính gắn kết trong cộng đồng khu vực…
Giờ đây, Chiến lược Tokyo 2012, dự kiến được thông qua tại Hội nghị lần này, được kỳ vọng sẽ là cú hích để hợp tác Mekong - Nhật Bản bước vào giai đoạn mới, dựa trên ba trụ cột, gồm tăng cường kết nối giao thông trong khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, đảm bảo an ninh con người và môi trường bền vững. Điều đó không chỉ có giá trị đối với mỗi nước, mà còn đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập của ASEAN và xây dựng một Cộng đồng Đông Á vững mạnh.
Là nước nằm trong tiểu vùng sông Mekong và luôn coi trọng hợp tác Mekong, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cơ chế hợp tác Mekong– Nhật Bản. Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các dự án trong khuôn khổ hợp tác, tại Hội nghị lần này, Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến mới về phát triển hệ thống vận tải đa phương để tận dụng mạng lưới sông ngòi trong khu vực Mekong, đem lại lợi ích kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Nếu như Mekong là dòng sông chung và đem lại nguồn lợi chung thì rõ ràng, các nước cần phải tích cực đóng góp vào kế hoạch hành động chung để cùng có cách ứng xử thích hợp với “khối tài sản chung vĩ đại” này và chỉ như vậy, dòng Mekong mới có thể mãi xanh./.
(Theo: Thu Hà/VOV)