Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) đã kêu gọi thế giới thúc đẩy 6 ưu tiên hành động để bảo vệ các hệ sinh thái có tầm quan trọng sống còn đối với con người.
Một là, tăng cường khả năng của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng các xã hội ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nâng cao nguồn tri thức về khoa học khí hậu và nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu Trái Đất.
Từ năm 2009, các mục tiêu chính sách và chương trình năng lượng đã được thúc đẩy tại khoảng 73 nước và ít nhất 63 nước đã có chính sách tăng cường nguồn năng lượng tái sinh.
Hai là, nỗ lực giảm tối thiểu các mối đe dọa môi trường đối với phúc lợi con người từ các nguyên nhân môi trường và hậu quả của các cuộc xung đột và thảm họa.
40% các cuộc xung đột ở các nước trong 60 năm qua liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
UNEP đã phản ứng trước các tình huống khủng hoảng ở hơn 40 nước kể từ năm 2009.
Ba là, hỗ trợ các phản ứng cân bằng về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu của con người và hệ sinh thái trong tương lai.
Các dịch vụ sinh thái và hàng hóa tự nhiên phi thị trường chiếm 47-89% trong tổng sản phẩm nội địa của các nước nghèo.
Hơn 50% số giường bệnh trên thế giới phục vụ các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nguồn nước.
Các bệnh lý này tác động đến phúc lợi của con người và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.
Năm 2010, các nước đã tăng diện tích khu vực được bảo vệ lên tới 17% diện tích đất liền và 10% diện tích biển và đại dương.
Bốn là, thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách trên cơ sở tri thức để tăng cường hợp tác môi trường khu vực và toàn cầu.
Với hành động chính sách cải thiện cung cấp nước sạch và vệ sinh, 135 triệu người trên thế giới có thể được cứu sống vào năm 2020.
Cơ chế quản lý môi trường toàn cầu gồm hơn 500 hiệp định môi trường đa phương và cải thiện cơ cấu này là thực tế cấp bách khi hơn 50% việc làm trên thế giới phụ thuộc vào nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp.
Năm là, tăng cường quản lý các nguồn hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn hóa chất và cung cấp cho các nước các thông tin về hóa chất độc hại.
Nền kinh tế xanh toàn cầu cần tỷ lệ tái chế cao các kim loại đặc biệt như lithi, gali, nêôdim….song cho đến nay chỉ có 1% các kim loại này được tái chế.
Hiện tại, 80% chất gây ô nhiễm biển và đại dương trên thế giới xuất phát từ hoạt động của con người trên đất liền, trong đó chỉ trong năm 2000 và 2001, các đô thị trên thế giới đã thải tới 338 triệu chất thải rắn.
Sáu là, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các nỗ lực toàn cầu đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sản xuất, chế biến và tiêu dùng bền vững.
Riêng khu vực xây dựng đã chiếm tới 1/3 tổng tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên toàn cầu và thải ra 40% chất thải cứng trên thế giới./.
(TTXVN)