Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 4/4/2012 17:20'(GMT+7)

Bảo vệ môi trường bền vững: góc nhìn từ phương tiện giao thông

Khí thải từ các phương tiện giao thông (Nguồn ảnh: Internet)

Khí thải từ các phương tiện giao thông (Nguồn ảnh: Internet)

  Môi trường thiên nhiên trên Trái đất hiện nay thay đổi rất nhiều so với nhiều chục năm trước đây do chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm nước và không khí, … . Biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm vừa qua tác động nhiều đến các yếu tố và hiện tượng tự nhiên, nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên, núi băng ở các địa cực tan chảy làm cho mực nước biển tăng lên, tạo ra các biến đổi thời tiết. Mưa lũ, hạn hán thất thường, nắng nóng khốc liệt vào mùa hè, rét đậm rét hại kéo dài vào mùa đông. Ở các vùng núi phía bắc nước ta như Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Sa Pa (tỉnh Lào Cai) xuất hiện nhiều băng tuyết hơn, hiện tượng bất thường với quy luật tự nhiên của nước ta. Các hiện tượng này tác động mạnh mẽ đến đời sống chúng ta.

Cùng với những tác động bất thường từ thời tiết, khí hậu, chúng ta còn phải gánh chịu sự tác động nặng nề từ ô nhiễm không khí. Đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí, Diễn đàn kinh tế thế giới 2012 (The World Economic Forum 2012) mới đây công bố bản báo cáo The Environmental Performance Index, xếp hạng theo chỉ số ô nhiễm không khí của 132 quốc gia trên thế giới, theo đó Việt Nam xếp thứ 123.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cuối tháng 9/2011, mỗi năm thế giới có khoảng 2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí.

Chất lượng không khí ngày càng xấu đi. Ô nhiễm không khí gia tăng theo sự phát triển công nghiệp và lưu thông phương tiện giao thông có động cơ, thải vào không khí ngày càng lớn số lượng khói, khí độc và các chất ô nhiễm khác. Lượng khí thải tăng theo sự phát triển về số lượng các phương tiện giao thông. Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn đối với không khí, đặc biệt ở khu đô thị và khu đông dân cư. Việc kiểm soát không tốt đối với sự gia tăng ngày càng lớn về số lượng xe gắn máy, xe ô tô không chỉ gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn mà còn nảy sinh một vấn đề hết sức nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức, đó là ô nhiễm không khí.

Hiện nay, ở nước ta phương tiện giao thông phổ biến nhất đáp ứng nhu cầu đi lại tại các thành phố lớn là xe gắn máy và ô tô, chiếm tới 95% về số lượng. Hằng năm có khoảng 3 triệu mô tô, xe máy và 150 ngàn ô tô mới tham gia giao thông làm cho tình trạng ô nhiễm không khí sẽ càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ chú trọng truyền thông tuyên truyền về ô nhiễm khí thải khu công nghiệp, nhà máy, … còn đối với ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông thì hầu như rất ít. Chúng ta cũng chưa chú trọng đến việc phát triển giao thông vì một môi trường bền vững.



Khói xả từ xe buýt, gây ô nhiễm không khí (ảnh minh họa)

Trước hết, cần tập trung tuyên truyền để có sự thay đổi từ nhận thức của mỗi người dân. Theo nhịp của cuộc sống hiện đại, chúng ta quá lệ thuộc vào những tiện ích của phương tiện giao thông cơ giới (sẵn có, nhanh chóng, …) do đó giảm đi sự vận động của bản thân. Đi quãng đường xa phải bằng ô tô, xe máy; đi quãng đường gần, thậm chí chỉ từ nhà ra chợ, tới trường học, … chỉ ít bước chân cũng bằng xe máy, thậm chí bằng xe taxi, điều này đã trở thành thói quen của người Việt Nam. Với quãng đường dăm bảy cây số, sẽ có lợi biết bao đối với môi trường và cả sức khỏe con người nữa nếu chúng ta sử dụng xe đạp, tất nhiên là trong điều kiện đường sá thuận lợi và đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp.

Cùng với công tác tuyên truyền để từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, Nhà nước cần có chiến lược về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội, tạo sự thuận lợi trong việc đi lại, sinh sống của người dân. Có như vậy mới có thể đa dạng hóa được phương tiện giao thông, không chỉ lệ thuộc vào xe mô tô và ô tô cá nhân như hiện nay, phát huy được thế mạnh của phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, … .

Việc quản lý, kiểm soát đối với sự phát triển của các phương tiện giao thông có ý nghĩa không những đối với vấn đề an toàn giao thông mà còn kiểm soát được về chất lượng khí thải, nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông cơ giới gây ra.

Năm an toàn giao thông, cùng với các giải pháp làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, rất cần sự nhìn nhận rộng hơn về môi trường sống. Vì sự bền vững của môi trường thiên nhiên, mỗi người trong chúng ta hãy cùng chung tay góp sức./.

Đặng Thị Minh Hảo
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội

(Bài viết có tham khảo tài liêu từ: Trang web http://www.livestream.com/worldeconomicforum và Báo Tuổi trẻ online, www.tuoitre.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất