Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam-Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai thực hiện sẽ xây dựng một hệ thống trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển hoàn chỉnh, tiên tiến, hiện đại, phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển đảo, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.
Giám đốc Trung tâm Hải văn-Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trần Hồng Lam cho biết: Dự án "Xây dựng, hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên-môi trường, khí tượng thủy văn biển Việt Nam" sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp các trạm khí tượng hải văn hiện có thành 27 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển, dọc dải ven biển và hải đảo của nước ta với các thiết bị quan trắc tiên tiến, hiện đại và truyền tin tự động 24/24 giờ. Dự án này được chia thành 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu cụ thể của Dự án là đầu tư xây dựng mới 15 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên-môi trường biển; nâng cấp, hoàn thiện 13 trạm khí tượng hải văn hiện có cùng 1 trạm thu tại Hà Nội để tạo thành một hệ thống trạm quan trắc hoàn chỉnh. Trong đó giai đoạn I của Dự án (2011-2015) đầu tư xây dựng 16 trạm quan trắc và 1 trạm thu tại Hà Nội, có 10 trạm lồng ghép với các trạm khí tượng hải văn hiện có và 6 trạm quan trắc được xây mới. Thiết bị đầu tư của Dự án giai đoạn I được phân theo 3 hạng gồm trạm trọng điểm, trạm hạng I và trạm hạng II.
Theo nhận xét của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Nguyễn Văn Cư: Hệ thống quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường biển sau khi hoàn thiện, sẽ trở thành công cụ hữu ích thực hiện chức năng quản lý nhà nước cơ bản về lĩnh vực biển đảo, như ứng dụng trong giám sát dầu tràn ra biển. Trên cơ sở xác định được trường dòng chảy 2D của hệ thống rada biển kết hợp với các trạm quan trắc ở vùng ven bờ và hải đảo, cho phép xác định được sự lan truyền dầu trên biển trong khu vực xảy ra sự cố. Cũng từ đó có thể truy xuất ngược để biết xuất xứ của sự cố dầu tràn trên biển, thông qua các mô hình toán.
Đồng thời, hệ cơ sở khí tượng thủy văn biển cùng mạng lưới điều tra, khảo sát còn ứng dụng trong cứu hộ, cứu nạn; dự báo đánh bắt hải sản; cảnh báo sóng thần; phát hiện tàu thuyền lạ trên biển. Ứng dụng của rada biển kết hợp với các trạm quan trắc ven bờ còn có thể phục vụ rất nhiều những hoạt động khai thác, phát triển kinh tế biển, như điều khiển tàu, thuyền ra vào các cảng có eo biển phức tạp về dòng chảy; dự báo điều kiện thời tiết phục vụ các hoạt động thể thao trên biển.../.
TTXVN