Ngày 10-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm khoa học: Hệ giá trị - Mục tiêu phát triển nhân cách người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; đồng chí Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, việc xây dựng và hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và yêu cầu của thời đại đã được Đảng ta nêu trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ VIII. Đảng ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận về giáo dục và văn hóa; trong đó đáng chú ý là Nghị quyết 29 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 33 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; yêu cầu các cấp, các ngành, các đoàn thể, đặc biệt đối với ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải hết sức quan tâm, có những giải pháp hữu hiệu đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong thế hệ trẻ. Những định hướng cơ bản nêu trong Nghị quyết 29 và 33 (khóa XI) cũng đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII khi đề cập đến đường lối, mục tiêu và nhiệm vụ về đổi mới giáo dục và đào tạo, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết đó là các ngành, các cấp có liên quan. Tuy nhiên, việc triển khai thực các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về giáo dục và văn hóa ở các cấp, các ngành còn chậm.
Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã phối hợp với Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam triển khai nghiên cứu đề tài “Hệ giá trị cá nhân – Mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục”. Việc nghiên cứu đề tài thể hiện tâm huyết của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học tham gia việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng. Buổi tọa đàm khoa học hôm nay đã giúp Ban Tuyên giáo Trung ương lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học, cùng nhau trao đổi, chắt lọc những giá trị khoa học.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến phát biểu, các tham luận tập trung vào 4 vấn đề chính là: xu hướng biến động hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay; nguyên nhân của sự biến động hệ giá trị con người Việt Nam; đề xuất hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên theo hệ giá trị mới.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định, chấn hưng văn hóa, phục hồi đạo đức xã hội là bộ phận quan trọng nhất của chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, là sự nghiệp của toàn xã hội, và đương nhiên, trước hết là nhiệm vụ của hệ thống giáo dục. Giáo dục và đào tạo cần tự đặt mình vào hàng đầu của công cuộc chấn hưng, văn hóa, coi mục đích tối thượng của mình là phát triển con người - dạy và học làm người chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp nhân lực, dù nhân lực chất lượng cao đang được coi là vấn đề bức bách. Phát triển con người chính là nền tảng lâu bền của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển nhân cách học sinh, sinh viên, trước hết, nhà trường cần xác định một hệ giá trị tinh thần, đạo đức – tức là niềm tin về những gì là đúng, những gì là quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Hệ giá trị ấy cần bao gồm các giá trị vốn tạo lập nên cốt cách của con người Việt Nam, các giá trị phù hợp với định hướng tiến bộ của nhân loại, làm cơ sở cho các chuẩn mực trong quan hệ với bản thân, với người khác và môi trường xã hội, tự nhiên, làm nền tảng và cối lõi của nhân cách.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đã trình bày kết quả nghiên cứu của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, trong đó khẳng định, hệ giá trị nền tảng bao gồm: yêu lao động, tinh thần hợp tác, yêu nước; hệ giá trị cốt lõi bao gồm: tự chủ, trung thực, ham hiểu biết ham học hỏi, nhân ái, ý thức trách nhiệm, yêu hòa bình, yêu thiên nhiên và ý thức thượng tôn pháp luật.
Ông cũng đưa ra các giải pháp để chuyển hóa hệ giá trị thành các giá trị của mỗi cá nhân. Giải pháp lâu dài, kiến tạo văn hóa học đường. Giải pháp then chốt, phát huy vai trò của người đi đầu, của hiệu trưởng và vai trò nêu gương của nhà giáo. Giải pháp về văn hóa, khắc phục tình trạng phân rã văn hóa, tạo sự gắn kết giữa ba môi trường văn hóa: nhà trường, gia đình và xã hội. Cần nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, truyền thông, các văn nghệ sỹ, nhà báo, chung tay xây dựng hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, hiện tại chúng ta đang có 6 biến động trong định hướng giá trị theo các xu hướng sau: chuyển từ coi trọng giá trị tinh thần sang coi trọng giá trị kinh tế; chuyển từ coi trọng quyền lợi tập thể sang coi trọng quyền lợi cá nhân; chuyển từ nặng cống hiến sang nặng hưởng thụ; chuyển từ mục tiêu lâu dài sang lo sống ngắn hạn; chuyển từ thái độ chờ đợi phân phối sang chủ động tự đáp ứng nhu cầu; chuyển từ chấp nhận bình đẳng, trọng nghèo sang chấp nhận phân hóa, trọng giàu. Thử đề xuất một phương án về hệ giá trị chung của con người Việt Nam, với bản thân học sinh, chỉ cần 3 điều: phải có chí tiến thủ, chăm học chăm làm, người tốt công dân tốt.
GS. Phan Huy Lê cho rằng, trước đây chúng ta giáo dục theo cách truyền thụ, chưa chú trọng nhiều về giáo dục tư duy, sáng tạo. Để xây dựng hệ giá trị cho các em học sinh, yêu cầu nhà trường phải có môi trường văn hóa cao (có môi trường giáo dục, lồng ghép giáo dục hệ giá trị vào các môn học, thay thế dần các môn học quá cao siêu). Như vậy, cần đưa hệ giá trị vào cuộc sống học đường, chú trọng giáo dục về phẩm chất hoài bão, tư duy sáng tạo cho lớp trẻ. Đây là 2 điều cốt lõi nhưng hiện đang còn yếu trong giáo dục phổ thông hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm cũng cho rằng, trong việc giáo dục hệ giá trị cho thế hệ trẻ như các em học sinh, sinh viên, giáo dục không thể tách khỏi xã hội. Không chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được việc đưa hệ giá trị thẩm thấu vào con người của các em học sinh, sinh viên mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, Đại hội XII của Đảng ta đã khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong thời gian vừa qua và hiện nay, ngành giáo dục đã và dang tiến hành triển khai yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông; nâng cao năng lực thực hiện và đổi mới chương trình đào tạo của các nhà trường sư phạm và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Bày tỏ sự đồng tình với những kết quả mà Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đưa ra, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho rằng, để đưa Hệ giá trị - Mục tiêu phát triển nhân cách người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong nhóm giải pháp, cần chú trọng vai trò trụ cột của 3 yếu tố: gia đình - nhà trường – xã hội. Tổ chức Đoàn sẽ làm hết sức mình và năng lực, xem mình là một thành tố trong hình thành giá trị trong học sinh, sinh viên, có quyết tâm và hiểu biết đầy đủ. Trong thực tiễn, cần nhận thức và phân tích mặt tích cực, coi đây là xu hướng chủ đạo, khắc phục hiện tượng tiêu cực đã được đề cập, đó là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Võ Văn Thưởng đã đánh giá cao những trăn trở của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, những việc làm thiết thực, có ý nghĩa, đóng góp vào việc thực hiện Nghị quyết 29 và 33 (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội đối với sự phát triển của đất nước. Đồng chí cũng khẳng định, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một vấn đề căn bản, lâu dài nhưng cấp bách và quan trọng, đã được đề cập đến từ rất lâu. Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chắt lọc những hạt nhân hợp lý, chuyển hóa thành chủ trương, chính sách, giải pháp trong tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức thực hiện theo thẩm quyền của Ban, Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương.
Thu Hằng