Kết thúc chuyến thăm, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Chuyến thăm là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử đối với việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Thái Lan, đồng thời có tác động tích cực đối với việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á, thiết thực đóng góp vào mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Tiếp theo chuyến thăm Singapore tháng 9/2012, chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN, quyết tâm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn kết, vững mạnh vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, hợp tác và phát triển.
Xin điểm một số kết quả nổi bật sau:
Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, Nghị viện, hai chính đảng lớn nhất của Thái Lan. Các cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, cởi mở, thẳng thắn, giúp các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất cao về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Đặc biệt, trên cơ sở tốt đẹp của 37 năm quan hệ ngoại giao và dựa trên nhu cầu, lợi ích và tiềm năng hợp tác song phương to lớn, hai bên đã ra Tuyên bố chung quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Thái Lan và tới đây là Indonesia, Singapore là những nước đầu tiên trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược với nước ta, trong khi Thái Lan chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực để thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược.
Tuyên bố chung Việt Nam-Thái Lan xác định rõ nội hàm của đối tác chiến lược gồm 5 lĩnh vực: quan hệ chính trị - đối ngoại, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội - văn hóa và hợp tác khu vực và quốc tế, trong đó nhấn mạnh việc trao đổi các đoàn cấp cao và đối thoại chính trị chiến lược, tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai nước đạt 15 tỷ USD vào năm 2020, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và trách nhiệm xã hội. Lãnh đạo hai nước nhất trí giao các cơ quan chức năng của hai nước sớm xây dựng, ký kết và triển khai kế hoạch hành động về các lĩnh vực trên trong năm 2013.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có các cuộc gặp thiết thực với Chủ tịch Đảng Vì Người Thái cầm quyền và Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập, bàn thảo những biện pháp tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng Thái Lan trong thời gian tới, làm cơ sở chính trị thuận lợi cho quan hệ giữa hai nhà nước. Lãnh đạo các chính đảng Thái Lan khẳng định luôn ủng hộ chủ trương tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Thái Lan với Việt Nam dù ở cương vị cầm quyền hay đối lập, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Đảng ta.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đã trao đổi ý kiến cởi mở, thẳng thắn về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ASEAN đang gặp phải, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường đoàn kết, hợp tác nội khối, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khác như ACMECS, Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, bảo đảm cho sự phát triển phồn vinh và lâu dài của khu vực. Theo đó, lãnh đạo hai nước đề nghị các bên liên quan không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong vấn đề Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 và DOC, tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), đảm bảo hòa bình, an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Hai bên cũng nhất trí tăng cường sự hợp tác nhằm sử dụng và bảo vệ nguồn nước sông Mê Công vì sự phát triển bền vững.
- PV: Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Để triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung làm tốt những công việc sau:
Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm cụ thể hóa kết quả chuyến thăm và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, hợp tác trên kênh nhà nước cũng như kênh Đảng, Quốc hội, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương hai nước. Việt Nam sẽ cùng Thái Lan phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế song phương hiện có, nhất là cơ chế họp Nội các chung, đối thoại chính trị chiến lược để xây dựng và triển khai các chương trình hành động hiện thực hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.
Các bộ, ngành chủ động thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành của Thái Lan theo tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam-Thái Lan, mở rộng và tăng cường hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Trước mắt, Bộ Ngoại giao cùng với các bộ ngành liên quan tích cực phối hợp với phía Thái Lan xây dựng chương trình hành động thực hiện nội hàm quan hệ đối tác chiến lược để ký tại phiên họp Nội các chung hai nước vào cuối năm nay. Bộ Công Thương sẽ có các kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu tăng thương mại hai chiều 20% mỗi năm, đạt mức 15 tỉ USD vào năm 2020.
Trên kênh đối ngoại đảng, Đảng ta đã có quan hệ với Đảng Dân chủ Thái Lan hơn 20 năm qua. Do vậy, tới đây, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ xây dựng kế hoạch tiếp tục tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với Đảng Dân chủ, đồng thời phát triển quan hệ với Đảng Vì Người Thái theo hướng thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, làm cơ sở chính trị lâu dài cho quan hệ giữa hai nhà nước.
PV: Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm tỉnh Nakhon Phanom. Xin ông cho biết ý nghĩa của hoạt động này?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm tỉnh Nakhon Phanom thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động giai đoạn năm 1928-1929 và là một trong những nơi có đông kiều bào ta sinh sống. Tổng Bí thư muốn qua chuyến thăm này để cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của những người bạn Thái Lan đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong thời gian hoạt động ở tỉnh và cảm ơn Chính quyền tỉnh Nakhon Phanom đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống và làm ăn tại địa phương trong những năm qua.
Tại cuộc gặp gỡ với bà con Việt kiều tại tỉnh Nakhon Phanom, Tổng Bí thư khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; biểu dương những thành tích, cố gắng của kiều bào ta ở Thái Lan luôn hướng về quê hương, đất nước với nhiều nội dung và hình thức phong phú, tin tưởng bà con tiếp tục phát huy truyền thống cần cù lao động, thông minh sáng tạo của người Việt Nam để phấn đấu có cuộc sống đầy đủ hơn và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan.
Để góp phần cùng bà con Việt kiều tại tỉnh ghi nhớ và lưu truyền những năm tháng Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Nakhon Phanom, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng món quà 30 tỷ đồng của Đảng, Nhà nước ta để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy thuộc Làng hữu nghị Thái-Việt./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
TTX