“Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Kế hoạch số 24-KH/BDVTU ngày 20/3/2009 của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang về việc tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị theo tư tưởng và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước; phát động nhiều đợt thi đua trên các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; xây dựng cơ sở hạ tầng; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường... trên địa bàn huyện Hiệp Hòa được thực hiện có hiệu quả. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân trong việc thi đua, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”gắn với phong trào thi đua “Hiệp Hòa chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 145-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; Kế hoạch số 15-KH/BDVTU về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại 40 xã điểm xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 34-KH/HU về việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 triển khai trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Theo đó, chỉ đạo mỗi thôn ít nhất xây dựng 01 mô hình, chỉ đạo mỗi xã xây dựng 01 thôn làm điểm để xây dựng mô hình sau đó nhân ra diện rộng toàn huyện. Theo đó, UBND huyện đã xây dựng bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện (16 tiêu chí), trong đó các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất… do mức đầu tư lớn nên UBND huyện đã có cơ chế hỗ trợ các xã làm đường giao thông, xây dựng lò đốt rác thải, thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa... Bên cạnh đó, các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng cơ sở hạ tầng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hiến đất và tài sản, đóng góp công sức, tiền, hiện vật... với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, qua đó đã phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới của người dân.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được các cấp, các ngành tập trung hướng về cơ sở, các đơn vị đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên và điều kiện thực tiễn của địa phương, triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngay tại cơ sở.
Trong 5 năm (2011-2015), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo"; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng mô hình "Dân vận khéo”, cụ thể như: Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức cuộc vận động ủng hộ “Tết vì người nghèo”; Hội Liên hiệp phụ nữ phát động thi đua với chủ đề “Làm theo Bác về thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, với mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”; Hội Nông dân phát động phong trào “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; Hội Cựu chiến binh tổ chức các hoạt động tình nghĩa; Huyện đoàn tổ chức các hoạt động thanh niên tình nguyện... Các phong trào trên đều được triển khai thực hiện có hiệu quả trên phạm vi toàn huyện.
Định kỳ hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đoàn thể cơ sở đều phát động hai đợt thi đua lớn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, trong đó có nội dung thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình "Dân vận khéo" gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời tiến hành tổ chức sơ kết phong trào thi đua, gắn với việc tổng kết các phong trào ở địa phương. Năm 2014, Huyện uỷ Hiệp Hoà đã tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đối với Đảng uỷ các xã, thị trấn; tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Kế hoạch số 34-KH/HU về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới và biểu dương các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, Ban Dân vận Huyện uỷ đã xây dựng hướng dẫn Đảng ủy các xã, thị trấn đã chỉ đạo các chi bộ tiến hành khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó xác định những nội dung, những vấn đề cần thiết liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Sau đó, Ban chi ủy chi bộ đăng ký với Đảng ủy xã xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên lĩnh vực đó. Đảng ủy các xã căn cứ mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, tiến hành rà soát các nội dung đăng ký của các chi bộ, xem xét thấy phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao làm cơ sở ban hành quyết định phê chuẩn nội dung đăng ký xây dựng mô hình "Dân vận khéo" của các chi bộ.
Ngay sau khi được phê chuẩn, các chi bộ tiến hành họp ban hành Nghị quyết xây dựng mô hình "Dân vận khéo", triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình, trong đó xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, thời gian, kinh phí, lực lượng tham gia mô hình, đặc biệt là lực lượng nòng cốt của mô hình để nhằm huy động tối đa sức mạnh của các tổ chức quần chúng và nhân dân địa phương tham gia, có phân công cán bộ phụ trách từng nội dung, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi… Đài truyền thanh thôn, khu phố đã tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận thực hiện mô hình, đồng thời thông báo những kết quả đã đạt được, những khó khăn trong quá trình xây dựng mô hình; kịp thời động viên các cá nhân, hộ gia đình gương mẫu, tích cực tham gia xây dựng. Hằng năm, các địa phương, đơn vị đã kịp thời tổng hợp, báo cáo kết quả xây dựng mô hình "Dân vận khéo"; Ban Dân vận Huyện uỷ và khối Dân vận các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện; đồng thời coi kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại công tác dân vận hằng năm đối với khối Dân vận các xã, thị trấn.
Các mô hình điển hình “Dân vận khéo”
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương, đơn vị đã tiến hành rà soát, đánh giá các mô hình, lựa chọn những mô hình, điển hình có hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng, đồng thời quan tâm xây dựng các mô hình mới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ 38 mô hình đầu tiên (năm 2009), đến 30/4/2015, toàn huyện đã xây dựng được 452 mô hình ở 229 tổ dân vận thôn, trong đó: trong đó: 137 mô hình xây dựng cơ bản; 82 mô hình vệ sinh môi trường; 105 mô hình văn hóa – xã hội; 54 mô hình an ninh trật tự; 74 mô hình phát triển kinh tế gắn liền với phong trào thi đua “Hiệp Hòa chung sức xây dựng nông thôn mới".
Các mô hình đang tích cực triển khai hoạt động, trong đó có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động nguồn lực nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ vững an ninh trật tự, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế- xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương. Kết quả thực hiện các mô hình đã góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời từng bước xây dựng ý thức vươn lên, không trông chờ ỷ lại, chủ động phát huy sức sáng tạo, cải tiến phương thức lao động, thay đổi tập quán sản xuất cũ và dần dần thích ứng với lao động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới.
Toàn huyện hiện có 54 mô hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế đang tích cực hoạt động, trong đó có nhiều mô hình "Dân vận khéo" trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, qua đó đã giúp người dân thoát nghèo và làm giàu, cụ thể như: vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong xây dựng nông thôn mới của thôn An Hòa (Đoan Bái), thôn Xuân Thành (xã Châu Minh), cánh đồng chuyên canh trồng rau sạch rộng 30ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha tại các thôn Đông Lỗ, Hưng Đạo (xã Đông Lỗ); một số cánh đồng, vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao tại các xã Đoan Bái, Lương Phong, Xuân Cẩm; các hợp tác xã mộc thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Đoan Bái, Châu Minh, Mai Đình; mô hình hộ chăn nuôi quy mô 1.000 gia cầm trở lên và thường xuyên nuôi 3.000- 5.000 gà đẻ trứng tại các xã Hùng Sơn, Thường Thắng, Mai Trung, Danh Thắng; mô hình nếp cái hoa vàng xã Thái Sơn; mô hình sản xuất, kinh doanh cá- cần tại xã Hoàng Lương, hiện nay có 5/10 thôn chuyên canh rau cần (gồm: Thanh Lâm, Đại Thắng, Thanh Lương, Đồng Hoàng và Ninh Giang), nâng tổng diện tích lên khoảng 125 ha với gần 1.000 hộ tham gia đã mang về cho nông dân xã Hoàng Lương thu nhập từ 45- 50 tỷ đồng và bước đầu xây dựng thương hiệu cá- cần tại địa phương (Sở Nông nghiệp và PTNT đã có quyết định công nhận vùng sản xuất rau cần xã Hoàng Lương đủ điều kiện sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap)…
Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, , huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) luôn lấy thôn là địa bàn triển khai. Đây là cách làm sáng tạo mang lại kết quả tích cực. Qua 5 năm, có 137 mô hình "Dân vận khéo" về xây dựng cơ bản ở tất cả các địa phương trên địa bàn huyện, vận động nhân dân đóng góp hơn 115,2 tỷ đồng; hiến 104.726m2 đất thổ cư và đất ruộng; tham gia 37.657 ngày công lao động; qua đó, góp phần quan trọng trong việc cứng hóa, cải tạo 82,2 km đường giao thông liên xã, liên thôn, xóm ngõ và đường giao thông nội đồng; cứng hóa 39,53km kênh mương; xây dựng, trùng tu, cải tạo 36 nhà văn hóa, trường mầm non...Hiệu quả hoạt động của các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần phát triển kinh tế các hộ gia đình, giúp kinh tế các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại khu dân cư, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 4,95% (bình quân giảm 2,6%/năm, đạt mục tiêu đại hội Đảng bộ huyện (khóa XXII) đã đề ra) và góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Số tiêu chí đạt thêm của các xã được tăng lên; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của các xã từ 7,1 tiêu chí năm 2011, tăng lên đạt bình quân 11,7 tiêu chí năm 2014, xã Đoan Bái đạt xã nông thôn mới và 18 thôn đạt thôn nông thôn mới.
Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, các mô hình "Dân vận khéo" đã huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia xã hội hóa và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu; đồng thời thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động và các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong 5 năm, trên địa bàn huyện xây dựng được 105 mô hình “Dân vận khéo” về xây dựng đời sống văn hóa- xã hội. Các mô hình đã tích cực tuyên truyền, vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội, chi phí việc tang nhìn chung đã giảm từ 50 – 60% so với những năm trước đây, nhiều mô hình đã vận động không sinh hoạt cơm tại các đám tang, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh than của người dân.
Tại các thôn, khu phố cơ bản đều có các hình thức khuyến học, khuyến tài, thành lập các quỹ khuyến học của địa phương và các dòng họ để động viên, khen thưởng cho học sinh học khá, giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng… qua đó khuyến khích việc học tập, tu dưỡng của thanh, thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Phong trào dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học được phát triển mạnh mẽ; toàn huyện hiện có 925 chi hội khuyến học, trên 20.000 gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình hiếu học”.Việc vận động nhân dân tham gia xã hội hóa giáo dục được quan tâm thực hiện, các mô hình đã phối hợp vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để tu sửa trường học, xây dựng trường mầm non, vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng để ủng hộ mua sắm trang thiết bị dậy và học, xây dựng trạm y tế... Điển hình là các xã: Mai Trung, Thái Sơn, xã Hợp Thịnh,... Các hoạt động văn hoá, thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát triển. Nhiều địa phương đã thành lập câu lạc bộ (đội văn nghệ); khoảng gần 30% người dân tham gia các hoạt động thể thao. Việc thực hiện quy ước, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Năm 2012, có 229/229 thôn, khu phố (đạt 100%) xây dựng, chỉnh lý, bổ sung quy ước; 116 thôn, khu phố đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện (đạt 50,2%), trong đó có 12 đơn vị đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh; có 43.962 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (đạt 83,4%); Năm 2014, có 1/26 xã đạt xã văn hoá cấp tỉnh= 3,84%; số xã đạt văn hoá cấp huyện 4/16=15,38%; 11/229 thôn đạt thôn văn hoá cấp tỉnh = 4,8%, 159/229 thôn đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện đạt 69,4; có 46.888 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (đạt 86,89%).
Trên lĩnh vực xây dựng thôn, làng, khu phố xanh- sạch- đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, trong 5 năm đã xây dựng được 82 mô hình “Dân vận khéo”, với 1601 thành viên tự nguyện tham gia, các mô hình đã vận động nhân dân tích cực tham gia giữ gìn và cải thiện môi trường sống. Tại một số đơn vị, chi bộ quán triệt, chỉ đạo lấy chi hội phụ nữ làm nòng cốt thành lập câu lạc bộ vệ sinh môi trường; một số mô hình do nhân dân họp bàn, thống nhất thành lập các Tổ giữ gìn vệ sinh môi trường tham gia tự quản, giữ gìn vệ sinh môi trường từng khu vực, đồng thời tiến hành xã hội hóa để thu gom, phân loại, phơi khô và đốt hủy rác thải hằng tuần. Kết quả, có mô hình hằng năm thu gom hàng trăm mét khối rác thải, đồng thời các thành viên tổ tự quản vệ sinh môi trường cũng được động viên kịp thời, như: mô hình của thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái trung bình mỗi năm thu gom trên 150m3 rác thải (năm 2012 đã được xét tặng giải thưởng môi trường của tỉnh). Kết quả hoạt động của các mô hình vệ sinh môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về giữ gìn vệ sinh môi trường sống của khu dân cư và khu vực sản xuất, qua đó thực hiện mục tiêu giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và góp phần đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; gắn việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hằng năm, các địa phương và toàn huyện đã làm tốt việc vận động thanh niên tham gia tuyển quân, kết quả luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; làm tốt việc xây dựng lực lượng, huấn luyện dân quân tự vệ... Toàn huyện đã có 54 mô hình an ninh trật tự được triển khai, với 577 thành viên tham gia, các mô hình được gắn cụ thể vào tình hình an ninh trật tự của địa phương với nhiều cách làm phong phú, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số mô hình hiệu quả như: thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm với mô hình ngăn chặn khai thác cát, sỏi trên sông Cầu, khu vực chảy qua địa bàn bằng việc căn cứ vào hương ước, quy ước của làng và Hội người cao tuổi thôn là lực lượng nòng cốt, do đó đã thực hiện tốt mục tiêu chống khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn...; tại các thôn thuộc xã Đông Lỗ đều có đội bảo vệ 629, mỗi đội có từ 07- 09 thành viên hoạt động theo quy ước và tiến hành "tuần tra" thôn, làng, cánh đồng để bảo vệ, giữ gìn antt, tài sản cho nhân dân. Mô hình antt khu 5 - Thị trấn Thắng đã tổ chức tuyên truyền 17 buổi trên địa bàn khu về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội...Các mô hình an ninh trật tự trên đại bàn thôn, xã đã phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giải quyết ổn định tình hình, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao trên địa bàn; phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh xã hội, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm đạt kết quả cao.
Qua 5 năm (2011-2015) thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã thu được nhiều kết quả tích cực. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua "Dân vận khéo" và hoạt động của các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động đươc sức mạnh tổng hợp của nhân dân, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện có hiệu quả chủ trương cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền thực hiện "Dân vận khéo" tại một số địa phương còn hạn chế, chậm triển khai thực hiện các phong trào và mô hình để phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Nhiều mô hình được thành lập còn mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả của và thiếu tính bền vững. Nhiều địa phương, đơn vị chưa tập trung đầu tư xây dựng, nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực…Để đẩy mạnh thực hiện mô hình “Dân vận khéo” gắn với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện Hiệp hòa cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao nhận thức phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị. Việc xây dựng mô hình "Dân vận khéo" phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, phải xuất phát từ các lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng và có sự thống nhất về nội dung, phương pháp triển khai.
Hai là, phong trào "Dân vận khéo" cần được gắn chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải được chú trọng và có kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân.
Ba là, tiếp tục rà soát, lựa chọn các mô hình "Dân vận khéo" gắn với các nội dung về xây dựng nông thôn mới phù hợp, có hiệu quả với từng địa phương, đơn vị trong từng điều kiện thích hợp; phát huy mạnh mẽ và nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả cao; kiên quyết thay thế các mô hình không hiệu quả, hoạt động hình thức, qua đó góp phần thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Bốn là, quan tâm lựa chọn, xây dựng được đội ngũ cán bộ tham gia phong trào, mô hình "Dân vận khéo" có uy tín trong khu dân cư, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu với phương châm "nói đi đôi với làm" để thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân. Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng phong trào và các mô hình; kịp thời sơ kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình"Dân vận khéo" điển hình tiêu biểu và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực tham gia, xây dựng phong trào và mô hình cho hiệu quả thiết thực./.
Ngô Văn Hùng