Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư: Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành, địa phương mình, phát động phong trào thi đua phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, các vùng miền, tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm hòa bình và ổn định chính trị, xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nâng cao vai trò tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng và các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên, hàng năm, kết hợp phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn vướng mắc, những mặt còn tồn tại, yếu kém để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng yêu cầu,. tiếp tục tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm, cả giai đoạn, được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng- tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng để giới thiệu, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.
Đồng thời, thực hiện công tác khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch và đúng quy định. Có biện pháp cụ thể để thực hiện khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản... Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng… Tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy về thi đua, khen thưởng các cấp đảm bảo ổn định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.
Chỉ thị nêu rõ, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2016, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao và tình hình thực tiễn để tổ chức phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Trước mắt, tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt Nghị quyết sô 01/NQ-CP ngày 7 tháng 1 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biếu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực và hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng nông thôn mới; phát triên nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an sinh xã hội...
TG