Thứ Hai, 21/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 29/2/2016 9:26'(GMT+7)

Hơn hai năm thực hiện Đề án 06-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội: Đòi hỏi giải pháp toàn diện

Việc thực hiện đề án 06-ĐA/TU tại cơ sở góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt

Việc thực hiện đề án 06-ĐA/TU tại cơ sở góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt

Xóa bỏ bất cập

Ý nghĩa, tác dụng của Đề án 06 đã được minh chứng sau hơn hai năm thực hiện. Nhờ đề án này, Hà Nội đã giải quyết được việc khó khăn tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ, đó là sự thiếu đồng bộ về tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở. Ở khối phường, thị trấn có 90 chi bộ hoạt động theo mô hình 2 chi bộ lãnh đạo 1 tổ dân phố hoặc một khu dân cư (KDC); 190 chi bộ theo mô hình từ 3 chi bộ trở lên lãnh đạo 1 tổ dân phố hoặc 1 KDC. Đối với các xã, có 58 chi bộ theo mô hình 2 chi bộ lãnh đạo 1 thôn; 368 chi bộ thực hiện mô hình 3 chi bộ trở lên lãnh đạo 1 thôn. Cá biệt, tại thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức có đến 9 chi bộ cùng lãnh đạo thôn. Đó là chưa kể ở các phường, thị trấn còn có 878 chi bộ không đồng bộ với các tổ chức đoàn thể; còn ở các xã số này là 346 chi bộ.

Đến nay, 22/22 quận, huyện liên quan đã thực hiện Đề án 06. Kết quả thực hiện Đề án đã giúp khắc phục được những vấn đề nói trên. Đặc biệt, thành phố đã giảm được 939 chi bộ và 2.400 tổ dân phố, thôn. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đào Văn Bình đánh giá: "Việc thực hiện đề án không những thống nhất được sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, qua đó đưa đến thành công trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc mới, việc nóng... mà còn giảm được biên chế, đầu mối, giảm chi phụ cấp, tiết kiệm được ngân sách...". 

Trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị "về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", càng thấy rõ ý nghĩa cần thiết, lâu dài của Đề án 06.

Những phát sinh từ cơ sở

Mặc dù vậy, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở sau thực hiện Đề án 06 đang nảy sinh một số vấn đề. Nguyên nhân chính là do quy mô của chi bộ, tổ dân phố tăng lên. Trước khi thực hiện Đề án 06, ở các phường có những tổ dân phố chỉ 50 hộ. Nhưng nay, tổ dân phố phải từ 250 hộ trở lên, thôn cũng phải từ 200 hộ trở lên. Đối với chi bộ, có những chi bộ trước chỉ 5-10 đảng viên, nay sáp nhập nhiều chi bộ tăng lên hàng trăm đảng viên. Ví dụ, tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, thực hiện Đề án, 4 chi bộ 9A, 9B, 9C, 9D sáp nhập thành Chi bộ 10, số đảng viên tăng lên thành 166 người. Tại quận Bắc Từ Liêm, mặc dù số lượng đảng viên ở chi bộ dân cư được miễn sinh hoạt khá lớn, nhưng vẫn còn những chi bộ có 70-80 đảng viên thuộc diện sinh hoạt chi bộ hằng tháng.

Quy mô chi bộ, tổ dân phố tăng lên đòi hỏi bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố vất vả hơn nhiều so với trước. Ông Vũ Việt Cường (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) nêu ý kiến: "Quy mô lớn hơn thì tổ trưởng tổ dân phố rất vất vả vì công việc gì cũng đến tay. Ở cấp phường còn có nhiều ban, ngành nhưng ở tổ dân phố chỉ có mỗi ông tổ trưởng". Đây cũng là lý do khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc tìm nhân sự bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, thôn. Đây là vấn đề về lâu về dài, thành phố phải quan tâm để có biện pháp giải quyết căn cơ, chủ động được về nhân sự.

Khó khăn hơn nữa là việc tổ chức họp chi bộ, họp tổ dân phố. Như Tổ dân phố 20, phường Giang Biên (Long Biên), ở nơi quận mới, còn nhiều quỹ đất, nhưng phòng sinh hoạt chung tổ dân phố cũng chỉ có khoảng 40m2. "Trước đây, mỗi đơn nguyên nhà là một tổ dân phố, nay cả 7 đơn nguyên cùng vào một tổ, việc tụ họp có đủ đại diện tất cả các hộ dân là bất khả thi" - ông Trần Thu, nhà CT21-2 nói. Đây là vấn đề chung xảy ra ở 22 quận, huyện thực hiện Đề án 06. Đồng chí Nguyễn Thường Sơn, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Bắc Từ Liêm cho biết, hiện nay quận vẫn thiếu trên 50 nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt của chi bộ, tổ dân phố. Tạm thời các chi bộ, tổ dân phố phải sinh hoạt ghép.

Theo Đề án, với chi bộ có trên 100 đảng viên có thể khắc phục bằng việc chuyển thành đảng bộ bộ phận. Tuy nhiên, tổ dân phố và thôn thì chưa có giải pháp cụ thể nào. Hàng loạt đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra nhằm giải quyết khó khăn trên. Đáng chú ý là đề xuất nâng mức phụ cấp cho bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn. Đảng ủy phường Trung Liệt (quận Đống Đa) đã kiến nghị thành phố nên tính phụ cấp cho bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố theo số nhân khẩu. Một số ý kiến đề nghị thành phố xem xét, bổ sung thêm tổ phó tổ dân phố, công an viên phụ trách thôn đối với các tổ có dân số đông, diện tích lớn.

Cùng với sự chủ động khắc phục, giải quyết tạm thời của các địa phương, để giải quyết căn bản những vấn đề mà việc thực hiện Đề án 06 đang đặt ra, rất cần thiết phải được rà soát tổng thể, xác định giải pháp toàn diện.

Võ Lâm/Hà Nội Mới
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất