Thứ Hai, 23/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 30/9/2011 9:2'(GMT+7)

Tăng cường thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn).

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn).

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Chính phủ đã và đang quyết tâm hoàn thiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, tăng cường triển khai thực hiện những chương trình, dự án thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu, đến năm 2020 cơ bản đảm bảo cơ hội, năng lực tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong đó, tập trung vào một số mục tiêu chính như: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm; bảo đảm binhỳ đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe;  văn hóa và thông tin;  đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.

Theo Báo cáo Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 2010 của Việt Nam, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế và lao động việc làm đã được đánh giá là đạt kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ phụ nữ trong tổng số lao động xã hội đạt khoảng 49,4%; tổng số giờ làm việc bình quân cả năm của phụ nữ là 1.453 giờ, xấp xỉ tổng số giờ làm việc của nam giới là 1.565 giờ. Tiền lương bình quân một giờ lao động của nam và nữ không có sự chênh lệch lớn, tương ứng là 13,6 và 12,8 nghìn đồng. Điều này cho thấy, đóng góp của lao động nam và lao động nữ trong việc tạo ra của cải vật chất ngày càng tiến tới sự bình đẳng.

Mặc dù cơ cấu ngành nghề việc làm cho nhóm nam và nữ đã có sự cải thiện, nhưng lao động nữ vẫn tập trung chủ yếu ở những ngành có kỹ thuật giản đơn, còn lao động nam ở những ngành đòi hỏi nhiều vốn và kỹ thuật. Phần lớn lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động chưa được cải thiện nhiều, thời gian lao động dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao.

Với chức năng là đại diện cho công đoàn các cấp nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Chương trình hành động thực hiện Chiến lược bình đẳng giới.

Tổng Liên đoàn đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm như: hàng năm có ít nhất 40% nữ giới trong tổng số người được ký hợp đồng, tuyển mới tại các doanh nghiệp, cơ quan; 80% lao động nữ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn khác; 40% nữ cán bộ được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận trên cơ sở những nhận định cơ bản về tình hình bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay và bàn các giải pháp cũng như những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020./.

(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất