Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/5/2014 21:25'(GMT+7)

Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ di sản

Thiên nhiên ưu đãi và bề dày lịch sử, văn hóa đã hội tụ, tạo nên nhiều di sản vật thể, phi vật thể có giá trị, được công nhận, vinh danh ở cấp quốc gia và quốc tế. Những di sản được UNESCO công nhận đã góp phần để Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn. Cùng với việc tăng cường hợp tác phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế... thời gian qua Việt Nam đã chủ động, tích cực mở rộng hợp tác với các quốc gia bạn bè, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận. 

Bà Katherine Muller-Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có nhiều di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đó là tài sản quí giá của đất nước Việt Nam nói chung và mỗi người dân nói riêng. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản đã được UNESCO công nhận, hy vọng là điều đó sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. 

Việt Nam đã nhận thức rất rõ, d i sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất, do xuống cấp hoặc thất thoát, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới. Chính vì vậy, điều đó cũng được coi như tiêu chí hành động của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị các di sản. 

Trong những năm qua, cùng với sự công nhận các di sản vật thể, phi vật thể của Việt Nam là di sản thế giới, UNESCO cũng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản đó. Công tác này tại Việt Nam đã nhận được những nguồn tài chính từ các Quỹ của UNESCO, của nhà nước và của khối tư nhân. UNESCO đã giúp Việt Nam tham gia các mạng lưới chuyên gia quốc tế về bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể, tư liệu. Thông qua đó, các cán bộ quản lý các di sản và cộng đồng được tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực, góp phần vào công tác bảo tồn các di sản, nâng cao vị thế địa phương, quốc gia và gắn kết cộng đồng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động tăng cường cơ chế pháp lý quốc tế bảo vệ di sản, có thêm quy trình bảo vệ, bảo tồn di sản; tích cực hợp tác với bạn bè quốc tế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới. Với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực của ASEAN, Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp ý kiến, vận động Ban Thư ký ASEAN nhằm thúc giục các nước thành viên ASEAN chấp thuận dự thảo Hiệp định hợp tác khung giữa ASEAN và UNESCO. 

Trong khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của các quốc gia thành viên Công ước di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới 1972, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới với sự ủng hộ của đa số phiếu bầu. Điều này cho thấy vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào quá trình hợp tác văn hóa thế giới. Tham gia Ủy ban Di sản Thế giới , Việt Nam có cơ hội đưa ra các kiến nghị và ủng hộ các ý tưởng sáng tạo của các quốc gia thành viên khác liên quan tới việc thực hiện mục tiêu lớn của Công ước: “Nhận diện, bảo vệ, tôn tạo, phát huy và truyền lại cho đời sau những di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu”. 



Vai trò thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đã được Việt Nam phát huy ngay từ rất sớm. Việt Nam đã có sáng kiến kết nối “mạng liên kết” giữa các khu di sản thế giới với các khu Dự trữ sinh quyển và các Vườn quốc gia trong nước. PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Thực tế chứng minh Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và thực thi các hoạt động bảo vệ di sản thế giới. Những hợp tác hiệu quả trong công tác bảo tồn khu di sản Cố đô Huế và Khu phố cổ Hội An đã chứng minh rõ nét điều này. 
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản tại Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Công tác thu hút nguồn tài chính từ quốc tế để bảo vệ các di sản văn hóa còn yếu. Nguồn tài chính cần thiết để duy trì và phát huy những giá trị của các di sản không hề nhỏ, vì vậy việc huy động tốt nguồn tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác này. Ngoài ra, mặc dù Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, nhưng công tác bảo tồn một di sản thế giới có những qui định chặt chẽ, đòi hỏi cao về quản lý và chuyên môn. Các Ban quản lý di sản thường gặp khó khăn về quản lý, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động chính quyền địa phương, cộng đồng để hiểu tầm quan trọng, tiến tới những hành động bảo vệ giá trị của di sản cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, lượng khách du lịch quá tải so với năng lực quản lý của Ban quản lý ở một số nơi cũng đang tạo ra những áp lực thậm chí những tác hại, bất lợi cho việc bảo tồn những khu di tích này. 

Theo bà Katherin, trước những thách thức của việc bảo tồn và phát huy di sản , Việt Nam nên xem xét, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển mới và bảo tồn. Việc bảo vệ di sản cần được tiến hành ngay từ khi chưa được công nhận và phải tiếp tục để đảm bảo tính phát triển bền vững. Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong lĩnh vực bảo tồn di sản bởi những bài toán kinh tế kèm theo như phát triển du lịch... Di sản phải được bảo vệ bằng cách tôn trọng tính tự nhiên, xác thực, nguyên vẹn... Để làm được điều đó, cần có kiến thức, sự hiểu biết cùng sự hợp tác với các chuyên gia... nhằm tôn tạo, trùng tu hay bảo vệ di sản một cách tốt nhất như nó vốn có. Bà Katherin cho rằng, n hững thách thức này không chỉ đối với V iệt Nam mà cũng là một thách thức toàn cầu . Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là nhiệm vụ của N hà nước, các ủy ban địa phương mà là nhiệm vụ của tất cả mọi người. 

Phát huy và bảo tồn các giá trị của di sản là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của xã hội. Với những nỗ lực cao nhất và với những lợi thế sẵn có của mình, Việt Nam đang hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa công tác này để góp phần nhân lên và phát huy giá trị của các di sản đã được UNESCO công nhận, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./. 

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất