Để tránh tình trạng nguồn lực của cá nhân, tổ chức bị sử dụng lãng phí, thất thoát hoặc sử dụng không đúng mục đích, đồng thời phát huy tối đa tinh thần "Tương thân, tương ái" và hiệu quả của nguồn lực, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần nghiên cứu để thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
(Ảnh: TTXVN)
Chiều 27/6, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nghe báo cáo tình hình thiệt hại mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và thống nhất một số phương án hỗ trợ đồng bào chịu tác động của mưa, lũ.
Tại cuộc họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phân công từ ngày 29-30/6, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, Trưởng ban cứu trợ Trung ương sẽ trực tiếp đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ, lụt, động viên, chia sẻ với đồng bào; trao cho 2 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, mỗi địa phương 1 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 25/6, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi, lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra; gửi tới mỗi gia đình ở 2 địa phương Lai Châu và Hà Giang theo mức 5 triệu đồng/người chết và mỗi người bị thương nặng 3 triệu đồng/người, xây dựng nhà mới mức 50 triệu/căn để góp phần giúp đỡ các gia đình nạn nhân vơi đi nỗi đau, sớm ổn định cuộc sống.
Trước tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp mong muốn tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Để tránh tình trạng nguồn lực của cá nhân, tổ chức bị sử dụng lãng phí, thất thoát hoặc sử dụng không đúng mục đích, đồng thời phát huy tối đa tinh thần "Tương thân, tương ái" và hiệu quả của nguồn lực, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần nghiên cứu để thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Kinh nghiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều năm khi cứu trợ tại các địa phương gặp thiên tai, thảm họa, đó là việc cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương đó thường rơi vào tình trạng quá tải do phải tiếp quá nhiều đoàn của các cá nhân, tổ chức đến chia sẻ, ủng hộ.
Nhiều đoàn từ thiện do không nắm được đặc điểm của được địa phương và thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, trùng lặp, nơi nhận quá nhiều, nơi thì quá ít, có nơi xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự, mất đoàn kết trong cộng đồng.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục nắm chắc tình hình mưa lũ gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và căn cứ thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai để Ban Cứu trợ Trung ương sẽ đưa phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời tới người dân chịu tác động.
Bên cạnh đó, các địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình tiếp nhận ủng hộ, phân bổ hàng hóa, tiền và các nguồn lực khác đến các gia đình có người chết, người mất tích, người bị thương…
Đồng thời, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu tổng rà soát nguồn tiền cứu trợ trên toàn quốc mà Mặt trận Tổ quốc các địa phương đang quản lý.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra tại một số địa phương nhằm đánh giá việc quản lý, sử dụng nguồn tiền cứu trợ do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã đóng góp trên địa bàn.
Trước thực tế nguồn cứu trợ ở các địa phương không đồng đều, nơi có nhu cầu thì còn quá ít, nơi chưa cần sử dụng lại kết dư nhiều. Trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận Tổ quốc các địa phương tính toán để chủ động chuyển một phần nguồn lực đó về Mặt trận Tổ quốc để cân đối, hỗ trợ những địa phương đang gặp khó khăn rất nhiều khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua.
“Mặt trận phải gìn giữ niềm tin đối với các đơn vị ủng hộ, là cầu nối giữa nhân dân cả nước với đồng bào vùng bị thiên tai. Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố phải tổ chức quản lý, sử dụng nguồn tiền cứu trợ theo đúng Nghị định 64 của Chính phủ, nghiêm cấm quản lý, sử dụng sai mục đích dưới bất cứ hình thức nào. Nơi nào phát hiện sai phạm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ đồng bào trên địa bàn.
Theo đó, đối với, các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các Tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 10/2015/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ này.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do thiên tai; Làm đầu mối chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nêu tại Điểm 1 của Công văn này.
Để thiết thực chia sẻ, động viên nhân dân vùng lũ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức phát động công đoàn viên toàn hệ thống Ngân hàng dành 1 ngày lương để hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng kinh phí hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng.
Trong các ngày 23-25/6, mưa lớn, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân./.
(TTXVN)