Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 30/11/2012 21:41'(GMT+7)

Làm rõ cơ chế “đặt hàng” trong khoa học công nghệ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ GTVT khảo sát cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu ứng dụng KHCN tại Viện KHCN Giao thông vận tải tháng 6/2011 - Ảnh: VGP/Từ Lương

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ GTVT khảo sát cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu ứng dụng KHCN tại Viện KHCN Giao thông vận tải tháng 6/2011 - Ảnh: VGP/Từ Lương

 

Theo Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân, hiện có tình trạng nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có tính thực tiễn cao nhưng không thể có địa chỉ để chuyển giao. Trong khi, các doanh nghiệp cần sản phẩm lại phải đi tìm kiếm, thậm chí mua sản phẩm của nước ngoài với giá đắt. Từ đó, gây lãng phí cả ngoại tệ, thời gian và chất xám của nguồn lực trong nước.

Chỉ khi nhà doanh nghiệp đưa ra nhu cầu, nhà quản lý làm cầu nối, nhà khoa học đáp ứng thì kết quả nghiên cứu mới bám sát thực tế và đi vào cuộc sống.

Theo cơ chế này, bên đặt hàng phải bảo đảm mọi cam kết của mình với bên nhận đặt hàng, ví dụ, như cung cấp các phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện.

Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng nghiên cứu xong bỏ kết quả vào ngăn kéo như từ trước đến nay.

Ai thỏa mãn được yêu cầu của các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp, người đó tồn tại, phát triển và ngược lại, nếu không đáp ứng, sẽ bị đào thải. Đây được coi là một cách làm hay trong điều kiện nguồn kinh phí cho nghiên cứu của ta còn hạn hẹp.

Những khó khăn cần khắc phục

Nước ta đã bước vào nền kinh tế thị trường, nhưng hoạt động KHCN còn chịu nhiều quy định mang nặng tính hành chính, tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa. Trước hết là công tác xây dựng kế hoạch cho các đề tài, dự án KHCN hàng năm. Việc áp đặt cơ chế kế hoạch hóa cứng nhắc trong xây dựng các nhiệm vụ KHCN giống như đối với đầu tư xây dựng cơ bản là điều làm giới khoa học bức xúc nhất hiện nay. Mất khoảng 3-9 tháng cho quy trình một nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước được phê duyêt, phải chờ 6-7 tháng mới được giao kinh phí, vì vậy từ khi hướng dẫn lập kế hoạch đến khi có kinh phí để thực hiện, thường mất 9-15 tháng. Nhiều nhiệm vụ khi được cấp kinh phí đã không còn tính thời sự hoặc không đủ kinh phí để triển khai do trượt giá.

Điều này không phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, chưa tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai nghiên cứu kịp thời, hiệu quả. Với cơ chế như vậy, các đề tài nghiên cứu dễ rơi vào tình trạng khi nghiên cứu ra thì đã lạc hậu với thực tế và tình trạng các kết quả nghiên cứu chậm hoặc không được ứng dụng vào thực tế rất dễ xảy ra.

Hơn nữa, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học mới chỉ dừng lại đến nghiên cứu và phát triển chứ chưa có kinh phí đầu tư cho thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, chưa quan tâm xem các đề tài KHCN sẽ triển khai tiếp như thế nào, có ứng dụng vào thực tế hay không nên dẫn đến tình trạng nhiều kết quả đề tài nghiên cứu bị cất vào ngăn kéo. Vấn đề này cần phải tháo gỡ.

Từ năm 2011, Bộ KHCN đã áp dụng cơ chế đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng KHCN thay vì cấp trực tiếp kinh phí cho các đơn vị KHCN. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi và bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, cũng như khoảng cách giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các nhà khoa học.

Khi đứng trước việc lựa chọn nhập khẩu công nghệ nước ngoài hay thuê trong nước, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với bài toán về giá thành, chất lượng, hiệu quả giữa công nghệ trong nước và công nghệ nhập khẩu. Vấn đề là nhập khẩu công nghệ nước ngoài có khi còn rẻ hơn đặt hàng nghiên cứu công nghệ trong nước. Việc này có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại không phát huy được nội lực khoa học công nghệ trong nước, từng bước khiến lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Để khuyến khích các doanh nghiệp và các nhà khoa học tìm đến nhau, cần phải có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khi mua công nghệ trong nước...

Đoàn công tác Chính phủ kiểm tra công tác đầu tư nghiên cứu
khoa học trong xây dựng tại Viện KHCN xây dựng
– Bộ Xây dựng - Ảnh: VGP/Từ Lương

Đổi mới trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6

Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua được coi như bước đột phá khi đã đánh giá rất đầy đủ và chính xác về những yếu kém cần khắc phục của nền khoa học công nghệ nước nhà. Đặc biệt Nghị quyết đã đưa ra quyết định về đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính.

Theo đó, cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra. Xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; hình thành cơ chế đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các hoạt động khoa học và công nghệ.

Cũng theo Nghị quyết Trung ương 6, để khuyển khích các doanh nghiệp đặt hàng trong nước, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước. Nhà nước chủ động mua kết quả khoa học và công nghệ trong trường hợp có nhu cầu; đồng thơi chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu.

Với quyết tâm phải đổi mới mạnh mẽ, thay đổi cách làm và hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển, ứng dụng KHCN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua, hi vọng trong thời gian tới, cơ chế đặt hàng KHCN nói riêng sẽ phát huy hiệu quả hơn và nền khoa học công nghệ của chúng ta nói chung sẽ có bước phát triển hơn so với hiện nay để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách đưa nước ta trở thành một nước cơ bản công nghiệp vào năm 2020./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất