Chủ Nhật, 19/5/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 15/11/2018 10:14'(GMT+7)

Hoa trên núi đá

Cô giáo Trịnh Thị Hằng đang hướng dẫn học sinh tiến hành thảo luận nhóm

Cô giáo Trịnh Thị Hằng đang hướng dẫn học sinh tiến hành thảo luận nhóm

Nhìn vào bảng thành tích của cô giáo Trịnh Thị Hằng thì mới biết sự nỗ lực đáng khâm phục của một nữ giáo viên đang giảng dạy ở một trường còn nhiều khó khăn này. Sinh ra ở huyện Quảng Trạch, một vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Bình, cách đây 20 năm, năm 1999 sau khi tốt nghiệp Đại học, cô giáo trẻ Trịnh Thị Hằng xung phong lên công tác tại Trường Trung học phổ thông Tuyên Hoá. Ngôi trường đóng chân trên địa bàn một huyện miền núi, rẻo cao còn rất nhiều khó khăn cả về điều kiện đi lại, điều kiện vật chất cũng như khả năng học tập của các em. Ngoài ra, một khó khăn không nhỏ đối với cô là nhận thức của phụ huynh cũng như học sinh đối với môn tiếng Anh còn hạn chế. Học sinh chưa thật sự đam mê với môn học mới, có phần bỡ ngỡ này... 

Trước tình hình đó, cô giáo Trịnh Thị Hằng luôn trăn trở làm sao để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đặc biệt là chất lượng môn tiếng Anh cho đội ngũ học sinh. Chính vì thế, ngoài việc chấp hành tốt và hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn và các quy chế  khác do ngành và nhà trường đề ra, cô giáo Trịnh Thị Hằng luôn tìm tòi từ sách vỡ, học tập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp người bản địa về phong tục, tập quán, tâm lý của học sinh vùng cao để làm tốt công tác “tư tưởng” cho học sinh, động viên các em có niềm đam mê học tập nói chung cũng như môn tiếng Anh nói riêng. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, cô thường  xuyên tìm tòi nghiên cứu, đổi mới phương pháp soạn giáo án, bài soạn bám sát chương trình, chu đáo về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, bảng thông minh và bảng tương tác vào bài soạn và bài giảng để phù hợp với điều kiện học tập của học sinh…

Là một môn học quan trọng trong thời kỳ hội nhập, chính vì thế, đổi mới trong dạy học môn tiếng Anh cần phải đi liền với tính sáng tạo và đó chính là tư duy đột phá và sáng tạo của người giáo viên. Cô nghĩ rằng người giáo viên có tư duy đột phá và sáng tạo là luôn luôn làm mới và biết cách làm mới kiến thức cho mình nhằm đem đến cho học sinh những giờ học lý thú, bổ ích và hiệu quả. Sáng tạo bắt nguồn từ lao động và bắt đầu bằng sự lao động nghiêm túc say mê, nhiệt tình thì ắt những sáng tạo được khơi mở. Trong những năm qua cô giáo Trịnh Thị Hằng luôn trau dồi, cập nhật kiến thức, trong các giờ dạy học tiếng Anh, cô đã đổi mới trong dạy và học bằng tư duy đột phá, đưa nhiều ý tưởng sáng tạo vào tiết dạy nhằm gây hứng thú cho học sinh và tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực cá nhân và năng lực hoạt động nhóm, cặp một cách tốt nhất. 

Theo cô, nhà trường và lớp học đó chính là xã hội thu nhỏ và vì thế trong các tiết dạy cô đã tự thiết kế thêm các hoạt động giúp học sinh đóng vai, hóa thân thành những vai diễn như nhà kinh doanh, kỹ sư, bác sỹ, ca sỹ, người nổi tiếng hay giúp học sinh thực hành giải quyết các vấn đề nóng và nổi cộm trong xã hội và chính những hoạt động như thế trong lớp học tiếng Anh của cô đã được học sinh hưởng ứng một cách tích cực và hiệu quả. Hơn thế nữa cô đã áp dụng nhiều phương pháp mới. Từ các phương pháp như: hợp tác nhóm, kĩ thuật “Mảnh ghép”, nhìn tranh đoán chữ, kỹ thuật phát huy tình sáng tạo, sơ đồ tư duy,… đã đưa học sinh đến với sự chủ động, sáng tạo, logic, khoa học, từ đó hình thành những kĩ năng cơ bản tạo ra lối sống tích cực, sự tự tin và đem lại hiệu quả cao cho học sinh trong học tập giúp học sinh sử dụng tiếng anh để giao tiếp với bạn bè trong lớp học và trải nghiệm thực tế.

Cô luôn tâm niệm, khi đã lên lớp và giảng dạy phải thực hiện đúng chương trình, phong cách nghiêm túc, luôn luôn chủ động tìm ra phương pháp truyền đạt tốt nhất để tiết dạy đạt hiệu quả cao nhất. Luôn tận tụy, tâm huyết với công tác dạy học, tạo không khí học tập tích cực, thân thiện. Luôn áp dụng các kiến thức tự học như học cách cắt dán phim, nhạc vào bài soạn làm cho bài giảng sinh động, học cách sử dụng các phần mềm ứng dụng trong dạy học tăng khả năng chú ý, tiếp thu kiến thức cho học sinh... 

Bên cạnh đó, cô cũng phân loại đối tượng theo năng lực của từng em để có phương pháp phụ đạo mang hiệu quả cao, bổ túc kiến thức bộ môn cho học sinh, phụ đạo cho học sinh yếu kém hàng tháng để giúp các em tiến bộ. Đối với công tác mũi nhọn cô hết sức nhiệt tình, tâm huyết, đầu tư thời gian sưu tầm và nghiên cứu tài liệu giúp học sinh nắm bắt phương pháp làm bài tối ưu nhất. Hướng dẫn học sinh phương pháp học dễ nhớ, hình thành cho học sinh kỹ năng tự học, làm cho các em yêu thích bộ môn. 

Kết quả, từ 2006 đến 2018, năm nào cô giáo Trịnh Thị Hằng cũng đã bồi dưỡng học sinh giỏi và luyện thi Tài năng tiếng Anh và thi tiếng Anh qua mạng đều đạt kết quả cao, có trên hang chục giải thưởng mà học sinh của cô đã giành được. Trong đó có các giải thưởng đáng ghi nhận, như: năm học 2014-2015, bồi dưỡng học sinh giỏi thi Olympic tiếng Anh qua mạng (IOE) cấp toàn quốc đạt 01 giải nhì. Năm học 2015-2016, bồi dưỡng học sinh giỏi  thi Olympic tiếng Anh qua mạng cấp toàn quốc đạt 01 giải nhì. Năm học 2016-2017, bồi dưỡng học sinh giỏi khối 11 đạt 01 giải nhất, 02 giải nhì, 01 giải ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2017-2018, bồi dưỡng học sinh giỏi khối 11 đạt 01 giải nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh….

Từ những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy, cô giáo Trịnh Thị Hằng được tặng thưởng nhiều bằng khen và giấy khen các cấp. Nhiều năm được công nhận chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Trong đó ấn tượng nhất là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng vì “Đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường giai đoạn 1965 - 2015” năm 2015, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016 - 2017” năm 2017 và được Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giỏi việc trường đảm việc nhà trong các giai đoạn 2005-2008, 2010 – 2015 và 2015- 2018.

Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn và là bí thư chi bộ cô luôn chăm lo đến việc chỉ đạo tổ viên và các đảng viên trong cho bộ thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, kiểm tra giám sát và đốc thúc thường xuyên. Luôn chú trọng đổi mới sinh hoạt tổ và chú ý đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Không chỉ là một cán bộ quản lí giỏi, cô giáo Trịnh Thị Hằng còn có lối sống thân thiện, hòa nhã với đồng chí, đồng nghiệp, sống giản dị, gương mẫu, được đồng nghiệp và học sinh yêu mến, tín nhiệm.  

Vững về năng lực, say mê nghề nghiệp và không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, cô giáo Trịnh Thị Hằng xứng đáng với biệt danh “Hoa trên đá núi” mà đồng nghiệp khen tặng.  

Trần Kiên - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất