Để về đích nông thôn mới, các địa phương cần tập trung tổng thể nhiều nguồn lực để hoàn thiện 19/19 bộ tiêu chí. Với một tỉnh có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, đang còn nhiều khó khăn, ngoài sự hỗ trợ, đầu tư của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân thì nhiều công trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Gia Lai phải nhờ đến phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" mới cho kết quả khả quan, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2020 là một điển hình. Xã Ia Mrơn gồm 10 thôn, làng với gần 3.000 hộ dân, hơn 12.000 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 70%.
Trước đây, xã Ia Mrơn còn nhiều khó khăn, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt. Nhưng với quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân dân xã Ia Mrơn, cuối năm 2020, 19/19 tiêu chí đã được hoàn thành, xây dựng nên một Ia Mrơn mới mẻ, khang trang. Nay về Ia Mrơn, đường làng, ngõ xóm rộng rãi, xanh, sạch; những mái nhà xây kiên cố tiếp nối nhau, những ruộng lúa trĩu bông hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Ông Võ Tấn Công, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn cho biết, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã xác định rõ mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cho người dân. Chính quyền xã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. Để có Ia Mrơn hôm nay, chính quyền địa phương đã tập trung nguồn lực từ các chương trình 135; 30a; Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để đưa người dân vươn lên, thoát nghèo. Rất nhiều công trình xây dựng nông thôn mới hình thành từ sự phối, kết hợp giữa kinh phí, nhân lực của chính quyền và nhân dân tạo nên diện mạo Ia Mrơn khang trang, phát triển.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã Ia Mrơn đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi như: Mô hình nuôi heo địa phương, trồng lúa lai, trồng nấm. Ngoài ra, địa phương cũng tận dụng lợi thế trong thực hiện các mô hình trồng sắn, trồng lúa quy mô cánh đồng lớn và các mô hình thuộc dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, xã Ia Mrơn đã xây dựng được các mô hình phát triển sản xuất vùng trồng sắn năng suất cao, vùng trồng lúa nước 2 vụ, mô hình liên kết trồng mía với nhà máy đường Ayun Pa và liên kết sản xuất thuốc lá với Công ty sản xuất thuốc lá Kim Ngọc, cùng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất trong chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống, ổn định kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Đời sống người dân xã Ia Mrơn ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2020 còn 4,06%.
Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên quá trình xây dựng nông thôn mới tại xã Ia Mrơn được người dân đồng tình. Trong thời gian thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới, người dân xã Ia Mrơn đã đóng góp gần 13 tỷ đồng, chiếm gần 19% kinh phí các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Đến nay, đường từ xã đến trung tâm huyện đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Đường trục thôn, làng được cứng hóa, đạt hơn 83%. Đường làng ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa. Toàn xã có hơn 70% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch. Rác thải được thu gom và xử lý đúng nơi quy đinh. 100% thôn, làng có nhà văn hóa và khu thể thao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 85%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.
Bà A Hà, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Hlil 2, xã Ia Mrơn cho biết, hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân trong thôn đã đóng góp cả sức người và sức của để chung tay với Nhà nước thay đổi bộ mặt thôn làng. Thời gian qua, thôn Hlil 2 đã đóng góp rất nhiều trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Tính từ năm 2016 đến nay, người dân đã đóng góp sức người, sức của để làm hơn 3 km đường bê tông nội thôn. Hiện nay, toàn thôn không còn nhà dột nát, có 215 hộ đạt gia đình văn hóa, 210 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh... Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Để những thôn, làng về đích nông thôn mới đúng với thực lực, ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, rất cần sự đồng tình, ủng hộ và chung tay của mỗi người dân. Phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thực sự có hiệu quả và cần được lan tỏa để tạo sự kết nối, nâng cao tinh thần trách nhiệm, để nhiều thôn, làng có diện mạo mới, khang trang, phát triển hơn./.