Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 7/8/2013 14:39'(GMT+7)

Hoạt động đối ngoại tháng 7: Những dấu mốc quan trọng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, sáng 25/7. (Ảnh: VOV)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, sáng 25/7. (Ảnh: VOV)

Xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ  Barack Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 24-26/7/2013.

Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần thứ hai của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sau gần hai thập niên hai nước bình thường hóa quan hệ và là chuyến trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua.

Trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ  tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo-giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa-thể thao-du lịch...

Hai bên nhấn mạnh Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ không chỉ phục vụ lợi ích chung của nhân dân hai nước mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp làm việc với chính quyền, Quốc hội và các giới tại Hoa Kỳ, gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS).

Đánh giá về chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.

Trong khi đó, giới học giả Hoa Kỳ cũng nhận định, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước, tạo nền tảng tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đang trên đà phát triển.


 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong
tại cột mốc biên giới 460, sáng 9/7.

Biểu tượng về tình hữu nghị

Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới trong tháng 7 vừa qua là minh chứng sinh động cho quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.

Đây là kết quả của "Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào", được khởi động từ năm 2008 trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Qua 5 năm thực hiện, hai bên đã xây dựng được 793 vị trí mốc, tương ứng với 835 cột mốc và cắm bổ sung trên 20 cọc dấu trên toàn tuyến biên giới dài 2.067 km, đi qua 10 tỉnh phía Tây và Tây Bắc có chung biên giới với Lào.

Công tác tăng dày và tôn tạo mốc giới được thực hiện trong điều kiện rất khó khăn, trước hết vì phần lớn tuyến biên giới giữa 2 nước đều đi qua đỉnh hoặc triền núi và qua rừng rậm, có nơi cao nhất là trên 2.700m so với mực nước biển. Nhiều vị trí mốc, đội cắm mốc phải mở hàng km đường công vụ để chuyển vật liệu và cột mốc vào thi công. Đó là chưa kể đến hàng tấn bom, mìn, vật liệu nổ do chiến tranh còn sót lại đe dọa trực tiếp tính mạng những người tham gia cắm mốc. 

Bởi vậy, mỗi một cột mốc quốc giới được hoàn thành là thành quả của cả một quá trình lao động, chiến đấu, không chỉ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mà còn có cả máu của các lực lượng tham gia cắm mốc. 

Theo kế hoạch, hai bên sẽ bắt tay ngay vào hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để có thể hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2014.

Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, “việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử lâu dài trong quan hệ hai nước, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào”.

Đó còn là “thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam”.

Nhân dịp này, hai nước đã ký kết Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước tiến tới giải quyết cơ bản hai vấn đề đã tồn tại từ hàng chục năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào xã giao
Tổng thống Myanmar U Thein Sein. (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác lập pháp, đào tạo nhân lực về hạt nhân

Một sự kiện đáng chú ý trong tháng 7 này là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Myanmar từ ngày 21-26/7/2013 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các nhà lãnh đạo hai nước Hàn Quốc, Myanmar thống nhất sẽ tăng cường trao đổi các đoàn Quốc hội cấp cao, nhóm nghị sĩ hữu nghị và trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và các vấn đề liên quan.  

Các bên nhất trí tiếp tục hợp tác và phối hợp hành động chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, cùng thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước.

Đáng chú ý trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Hàn Quốc và giữa  Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Myanmar.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
và Phó Thủ tướng Hungary Semjén Zsolt.

Cũng trong tháng 7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thăm chính thức Hungary từ ngày 28-31/7/2013. Trong thời gian chuyến thăm, Phó Thủ tướng đã hội kiến Quyền Chủ tịch Quốc hội Istvan Jakab, hội đàm với Phó Thủ tướng Hungary Zsolt Semjen, và thăm Nhà máy Điện Nguyên tử Paks.

Hai bên đã trao đổi, thống nhất những biện pháp thúc đẩy hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là về kinh tế-thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng, văn hóa-du lịch-thể thao...; nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao, giữa các bộ, ngành nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể.

Đặc biệt, hai bên  đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình, theo đó Chính phủ Hungary cam kết cấp hằng năm 40 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam.  

Tham gia có hiệu quả vào các cơ chế hợp tác trong khu vực

Thể hiện vai trò chủ động có trách nhiệm trong hội nhập khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM 46) và các hội nghị liên quan tại Brunei từ ngày 28/6-2/7.

Tham dự các Hội nghị  lần này, phía Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào các trọng tâm ưu tiên của ASEAN như  tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực.

Về Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như tiến hành thảo luận chính để sớm có được Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Việt Nam đề xuất tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có việc thiết lập các kênh liên lạc hữu hiệu, hợp tác ngăn ngừa các sự cố, thiết lập “đường dây nóng” giữa ASEAN và Trung Quốc về các vấn đề trên biển...

Đồng thời, phía Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc giúp đỡ và đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển. 

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ từ ngày 10-12/7 và Philippines từ 31/7-1/8.

Trong các chuyến thăm trên Bộ trưởng Phạm Bình Minh cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. Del Rosario thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.

Đề cập đến vấn đề Biển Đông, cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Philippines đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và DOC và sớm xây dựng COC.

Cũng trong tháng 7, Việt Nam đã tiến hành tham khảo chính trị lần thứ 9 với New Zealand tại Thủ đô Wellington, đón Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Motegi và Chủ tịch Ủy ban Công an Quốc gia Nhật Bản Keiji Furuya sang thăm và làm việc tại Việt Nam./.

Tuấn Dũng (VGP)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất