Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 31/5/2012 0:2'(GMT+7)

Hoạt động quảng cáo: Cần hội đồng thẩm định

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà "Cần có hội đồng thẩm định quảng cáo"

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà "Cần có hội đồng thẩm định quảng cáo"

 
Báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, trong kỳ họp trước, có ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo luật nên bổ sung một điều quy định về hội đồng thẩm định quảng cáo vì thực tế hiện nay, không ít trường hợp người kinh doanh quảng cáo không nhất trí với quyết định của cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo ở địa phương về sản phẩm quảng cáo của họ nhưng không có một tổ chức nào đứng ra làm trọng tài cho hai bên. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã bổ sung một điều về hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, thể hiện tại Điều 10.

Điều 10 dự thảo Luật Quảng cáo quy định, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo sẽ là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các thành viên hội đồng bao gồm đại diện của Bộ và những chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.

Phát biểu ý kiến bên lề phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải có hội đồng thẩm định. Trong trường hợp những sản phẩm, hoạt động quảng cáo có ý kiến phản đối của người tiếp nhận quảng cáo hoặc tranh chấp giữa các đơn vị, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét và đưa ra kết luận.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận cuối cùng về dự thảo Luật Quảng cáo hôm nay, không nhiều đại biểu góp ý cho điều luật khá mới mẻ này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước những bất cập trong hoạt động quảng cáo đang diễn ra trong thực tại đời sống xã hội, vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý là hết sức quan trọng và cần phải được quy định rõ trong các điều luật. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, yếu tố về văn hóa trong các hoạt động quảng cáo là rất quan trọng, vậy nên giao cho ngành văn hóa quản lý.

Đại biểu Lê Hữu Phước (Bình Dương) nói: “Mục đích quản lý hoạt động quảng cáo chính là quản lý nội dung, sản phẩm quảng cáo, ngoài việc bảo đảm tính thông tin chính xác còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục. Vì thế giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là phù hợp.”

Nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, nên giao trách nhiệm quản lý cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại biểu Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn về sự thực thi của việc giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Bởi, trên thực tế, công tác quản lý hoạt động quảng cáo hiện nay cho thấy, hơn 80% thị phần quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thông tin và truyền thông.

Thực tế, phương tiện quảng cáo thuộc quyền quản lý của nhiều Bộ: Bộ Thông tin và Truyền thông (báo chí, mạng thông tin máy tính, phương tiện điện tử và xuất bản phẩm), Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên môi trường (hạ tầng, vị trí đặt bảng quảng cáo, pa nô, băng rôn…), Bộ Giao thông vận tải (phương tiện giao thông), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chương trình văn hóa, thể thao, triển lãm), Bộ Công thương (hội chợ).

“Hiện nay các thắc mắc khiếu nại của người dân gửi về ngành thông tin truyền thông đối với hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều. Ngành thông tin truyền thông chưa giải quyết được các thắc mắc kiến nghị này và ngành văn hóa, thể thao và du lịch lại càng không đủ điều kiện để giải quyết. Do vậy tôi đề nghị chúng ta cần thật cân nhắc điều này để việc giao trách nhiệm thực hiện phải sát với chức năng và điều kiện thực thi của cơ quan đó là chủ yếu, đồng thời phải đạt được mục tiêu mà luật cần hướng tới”- đại biểu Trần Hồng Thắm nói.

Cần cấm tuyệt đối quảng cáo rượu bia

Về những hạng mục cấm trong hoạt động quảng cáo, Điều 8, Khoản 3 quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, trên thực tế thì rất ít rượu dưới 15 độ, có lẽ chỉ có bia. Thà rằng cấm luôn quảng cáo rượu, vì rượu là nguy cơ chính, nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và rất nguy hiểm cho sinh mạng con người.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) và đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam).

“Đành rằng mỗi ly rượu chúc nhau để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Nhưng xét thấy trong thực tế hậu quả từ bia, rượu đã làm cho bao gia đình ly tán, tai nạn, tệ nạn thường xuyên xảy ra, các bệnh tật từ ly rượu đã nằm nhan nhản ở ngoài xã hội và làm thiệt hại về kinh tế quá lớn.

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của chúng tôi có một bộ phận dân tộc khi đứa trẻ được sinh ra đời thì hủ tục đầu tiên đó là cúng bái và lấy rượu chấm vào đầu lưỡi cho đứa trẻ. Mục đích ở đây là báo cáo với thần linh và tổ tiên là gia đình được đón nhận một đứa trẻ mới chào đời. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số bỏ hủ tục này và hạn chế uống rượu để tập trung vào phát triển kinh tế sản xuất.

Việc cấm quảng cáo không có nghĩa là cấm sử dụng, vì vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ 'có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên' chỉ ghi là cấm quảng cáo rượu”- đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh nói.

Liên quan đến quy định cấm quảng cáo rượu, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật chưa có quy định về việc không sử dụng tên, nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo gắn với tên các chương trình văn hóa thể thao sự kiện khiến cho cách xử lý của các ngành cơ quan quản lý chức năng không thống nhất, còn người kinh doanh có điều kiện để lách luật. Thí dụ, vừa qua Cục biểu diễn nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cấp phép cho một chương trình biểu diễn nghệ thuật gọi là chương trình hòa nhạc Hennessy, tức là tên của một nhãn hiệu rượu mạnh. Trong khi các cơ quan truyền thông đăng tải về sự kiện này thì ngành thông tin và truyền thông nhắc nhở và xử phạt vì cho rằng đã vi phạm quy định về cấm quảng cáo rượu dưới mọi hình thức.

“Tôi đề nghị để cho chặt chẽ hơn thì Luật Quảng cáo nên bổ sung thêm vào Khoản 5 Điều 36 quy định không được sử dụng tên, nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo đặt tên cho các chương trình văn hóa, thể thao, các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, sự kiện”- đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang nói.

Không khuyến khích quảng cáo lạm dụng từ thiện

Cũng trong danh mục cấm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị đưa vào nội dung cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú, và đặc biệt là sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Ngoài các lý do mà các đại biểu đã phân tích, đại biểu Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, sữa mẹ có giá trị mà không một sản phẩm nào có thể thay thế được. Sữa quảng cáo là tốt, nhưng có thể gây béo phì, gây sỏi thận và nhiều lý do khác. Nếu chúng ta để cho quảng cáo thì sẽ tạo những sự hiểu nhầm và có hiện tượng nhiều bà mẹ không tin vào sữa của mình. Nó cũng dẫn đến việc đề cao các sữa quảng cáo và bỏ đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, để bổ sung vào Điều 9 Luật Quảng cáo, về các hành vi bị cấm, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị cân nhắc thêm một hành vi, đó là trong thực tế một số doanh nghiệp dường như đang lạm dụng nhiều hơn các vấn đề về nhân đạo để lồng vào việc quảng cáo các sản phẩm của mình. Ví dụ, “mua sản phẩm A của chúng tôi, bạn đã góp 10 đồng để chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo”...

“Đương nhiên, tôi không phản đối việc các doanh nghiệp làm công tác từ thiện, song việc sử dụng điều đó làm cơ hội quảng cáo thì cần phải tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ, tránh tình trạng nói một đường, làm một nẻo, khi quảng cáo là sẽ làm từ thiện, nhưng thực tế không làm hoặc giá trị từ thiện không như quảng cáo. Tôi nghĩ hành vi lợi dụng lòng tốt của khách hàng cũng như hình ảnh của những người bất hạnh vào việc quảng cáo cho mình là hành vi không được khuyến khích trong luật”- đại biểu Lê Thị Tám nói.

Dự thảo Luật Quảng cáo đã được góp ý kiến qua hai kỳ họp Quốc hội và sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 21-6 tới.

Hồng Minh/ Nhân Dân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất