Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 29/5/2012 16:5'(GMT+7)

Câu chuyện hoàn hảo và đau đớn ở Cannes

Đạo diễn Michael Haneke (trái) quen thuộc với khán giả VN qua các phim Cô giáo dương cầm, Dải ruy băng trắng, Trò chơi giấu mặt…

Đạo diễn Michael Haneke (trái) quen thuộc với khán giả VN qua các phim Cô giáo dương cầm, Dải ruy băng trắng, Trò chơi giấu mặt…

 Giữa mùa giải gây tranh cãi vì thiếu vắng các đạo diễn nữ, những giải thưởng cao nhất ở LHP Cannes lần thứ 65 thuộc về các bậc thầy điện ảnh là điều đã được dự báo trước. Cành cọ vàng cho “Amour” (Tình yêu) của đạo diễn 70 tuổi người Áo Michael Haneke, do vậy, không là kết quả quá bất ngờ. Nhất là khi bộ phim nhận được nhiều tán dương sau buổi trình chiếu ra mắt hôm 20.5 trong khuôn khổ liên hoan.

Câu chuyện hoàn hảo và đau đớn

Mặt khác, giữa 21 ứng viên được đánh giá là xuất sắc đồng đều, Cannes chọn phim nào cho giải cao nhất thường đồng nghĩa với việc một thông điệp được gửi vào thế giới điện ảnh. Chẳng hạn như, nếu liên hoan năm 2011 chọn vẻ đẹp trí tuệ của Cây đời; thì năm 2010 lại gây tranh cãi với việc chọn phim Thái Lan “Bác Boonmee có thể nhớ những tiền kiếp” để bảo vệ giá trị đa dạng văn hóa.

Nhìn theo truyền thống này, người ta thấy ở “Amour” giá trị của thứ điện ảnh không màu mè kỹ xảo, không tham vọng ôm trùm những chủ đề lớn của xã hội hay chiến tranh, cũng không góp mặt những ngôi sao đương thời. “Amour” tỏa sáng bằng câu chuyện giản dị về cặp vợ chồng tuổi ngoài 80 đối diện với bệnh tật, nhưng đủ sức lấy nước mắt và đưa người xem đến những chiêm nghiệm cho riêng mình về tình yêu và thân phận khi đối diện với cái chết. Bộ phim được khen có một “câu chuyện hoàn hảo, đau đớn và dịu êm về tình yêu và cái chết”.

Nam diễn viên kỳ cựu người Pháp Jean-Louis Trintignant trong phim “Amour”

Hai diễn viên Pháp kỳ cựu Emmanuelle Riva và Jean-Louis Trintignant vào vai cặp vợ chồng người Paris là Georges và Anne (như hầu hết những cặp đôi ở tầng lớp trung niên trong phim của Haneke). Cả hai đang chống chọi với căn bệnh ngày càng làm suy yếu cơ thể của bà cũng như ám ảnh về điều sắp xảy đến. Cơn đột quỵ khiến bà bị liệt nửa người, cướp đi của bà khả năng nói rành mạch, lái xe và tự chăm sóc cơ thể.

Trước khi người con gái ở nước ngoài kịp về phụ cha chăm sóc mẹ, Georges luôn phải giữ bà thật gần để chải tóc, tắm rửa, mặc quần áo cho bà. Khom lưng, run rẩy và cần phải có điểm tựa, ông rung lên bần bật mỗi khi bế bà lên từ giường ngủ hay xe lăn, nhưng vẫn giữ vững được mọi thứ. Đầu tiên, ông phải giúp bà di chuyển khỏi chiếc xe lăn và bà nói ông làm sao để chụp được bà chính xác, như thể một cái ôm, sự thương tâm làm mủi lòng người xem.

Tôn vinh cá tính sáng tạo

Haneke là đạo diễn thường có cái nhìn lạnh lùng vào quyền lực và bạo lực, và trong một vài khía cạnh, ông đã lặp lại điều này trong Amour, chỉ có điều khác biệt là ông cũng mang lại cho câu chuyện sự dịu dàng nhất định. Một phần xúc cảm mà bộ phim tạo được là nhờ cặp diễn viên, cả hai đều xuất sắc.

Bộ phim được sản xuất với kinh phí khoảng 500 ngàn USD, tương đương với kinh phí trung bình của một phim thương mại tại VN hiện nay. Phim được bấm máy vào tháng 2.2011. Đoàn làm phim phải dụng công mất 40 ngày cho các cảnh quay, dù phần lớn bối cảnh là căn hộ tại Paris nơi hai nhân vật chính sống.

Không nhạc nền bơm thổi cảm xúc, không di chuyển máy quay mà để nhân vật bước vào và bước ra khỏi khung hình…Những thủ pháp nghệ thuật mà người xem từng thấy Michael Haneke sử dụng trong “The White Ribbon” (Dải ruy băng trắng, giải Cành cọ vàng 2009) tiếp tục được sử dụng trong “Amour”. Thậm chí, nhiều hành động còn xảy ra ngoài ống kính, để người xem phải suy đoán chuyện gì đang xảy ra.

Sự kiện Cành cọ vàng chọn “Amour”, một lần nữa, có thể xem là minh chứng thế giới điện ảnh luôn tôn vinh những cá tính sáng tạo, đem lại cho màn ảnh những câu chuyện lay động mạnh mẽ về thân phận con người.

Khải Trí/VietNamNet
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất