(TG)-Những vụ thảm án xảy ra thời gian gần đây khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ. Xót xa nhất trong các vụ án này khi đối tượng gây án và nạn nhân đều là những người thân ruột thịt; hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư âm và nỗi đau để lại khôn nguôi. Điều hết sức lo ngại là tình trạng “tự xử” bạo lực kiểu “luật rừng” thay cho luật pháp không còn là cá biệt.
Kiểu ứng xử "luật rừng” cần phải cực lực lên án, và nó hoàn toàn không
bao giờ được chấp nhận trong một xã hội văn minh, khi mà quyền con
người, những giá trị nhân bản cốt lõi phải được tôn trọng, bảo vệ. Tuy
nhiên, cách ứng xử này cũng phản ánh một điều, đó là sự bế tắc phương
pháp giải quyết những vấn đề trong cuộc sống; sự mất niềm tin của con
người với nhau. Vì sao vậy?
Các nhà tội phạm học cho rằng, những vụ thảm án theo kiểu “tự xử” bạo
lực giữa những con người trong cộng đồng, giữa chính những người thân
với nhau phản ánh một nhận định: Bên cạnh những giá trị tích cực, điều
tốt đẹp trong cuộc sống thì cũng có một xu thế xã hội không tốt, đó là
đề cao giá trị vật chất, lối sống thực dụng, sẵn sàng cướp đoạt, tranh
giành nhau vì lợi ích. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, có những vấn đề
xã hội phức tạp chưa được giải quyết triệt để. Cơ quan có chức năng thực
thi đã vận hành hệ thống pháp luật chưa tốt, phần nào làm sa sút niềm
tin của người dân vào công lý. Vì vậy, khi nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc,
họ đi theo con đường tiêu cực là dùng bạo lực để giải quyết chứ không
làm theo đòi hỏi của luật pháp.
Làm thế nào để hạn chế được thực trạng trên là câu hỏi không dễ giải
đáp. Người Việt Nam xưa nay luôn trọng tình nhưng lại chưa hiểu, chưa
quan tâm đúng mức đến pháp lý. Tư tưởng trọng con trưởng hơn con thứ
hoặc ngược lại; tâm lý trọng con trai hơn con gái đã ăn sâu bám rễ trong
nếp nghĩ dẫn đến sự không công bằng, không đều nhau từ cách quan tâm
chăm sóc, cách chia tài sản, kế thừa tài sản của bố mẹ để lại. Và đa số,
trong phân chia tài sản, điển hình là đất đai, cha mẹ thường chỉ nói
miệng mà ít khi quan tâm lập thành di chúc có tính pháp lý. Chính điều
này là nguồn cơn dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn trong tranh chấp tài sản
của thế hệ con cháu.
Trong cuộc sống xã hội, mâu thuẫn thường bắt đầu từ những việc nhỏ. Tuy
nhiên, nếu không được giải quyết, xử lý kịp thời sẽ tích tụ, lớn dần
đến mức con người ứng xử mất hành vi năng lực kiểm soát. Những mâu thuẫn
ấy chắc chắn người thân trong họ hàng biết, hàng xóm, các tổ chức đoàn
thể, chính quyền cơ sở biết. Nếu có biện pháp, cách thức khuyên răn, hòa
giải thấu lý đạt tình; thực sự quan tâm đến nhau trong xã hội thì mâu
thuẫn có thể đã hóa giải được.
Trong một xã hội văn minh, điều quan trọng nhất là mọi người phải hành
xử theo pháp luật. Tuân thủ pháp luật không chỉ là bắt buộc mà quan
trọng hơn, nó phải chuyển biến thành ý thức tự giác của mỗi con người.
Bởi luật pháp phải là rường cột để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội.
Nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp thông qua tuyên truyền, giáo dục
cho mọi người dân luôn là thiết yếu trong xã hội. Mỗi chúng ta cần phải
học luật để hành động theo luật. Ngoài tính bắt buộc thì nó cũng là nhu
cầu chính đáng để người dân tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đương
nhiên, hệ thống pháp luật cần được dần hoàn chỉnh, giám sát chặt chẽ,
vận hành nghiêm minh, công bằng. Đây là cơ sở quan trọng để bảo vệ niềm
tin, xây dựng niềm tin trong một xã hội thượng tôn pháp luật./.
Nguyễn Tuấn