Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 24/5/2011 20:25'(GMT+7)

Học sinh và nỗi sợ nghỉ hè

Hãy để trẻ có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. (Ảnh minh họa).

Hãy để trẻ có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. (Ảnh minh họa).

Ở các đô thị, hầu hết học sinh chỉ được nghỉ hè khoảng 10 ngày rồi lại tiếp tục đến các lớp học thêm văn hóa. Thật ra, nhiều bậc phụ huynh cũng rất muốn cho con mình được nghỉ lâu hơn một chút, nhưng mới đầu tháng 6 nhiều trường đã mở lớp học thêm, các bậc làm cha mẹ lại phải cho con đi học để theo kịp bạn bè.

Không chỉ những học sinh đang học năm cuối cấp cần ôn luyện nhiều để khi chuyến cấp theo kịp chương trình học, học sinh có học lực trung bình và yếu, cần đi học thêm bổ trợ kiến thức… mà còn không ít học sinh có học lực khá, giỏi cũng vẫn đi học thêm vào dịp hè, đơn giản bởi “ai cũng đi học, nên cũng cho con đi học để không thua kém”.

Nghịch lý là không chỉ học sinh cấp II, III mới đi học hè, mà học sinh tiểu học hiện nay lại có xu hướng được cha mẹ cho đi học hè nhiều hơn. Đặc biệt với các học sinh cuối cấp, đương nhiên là không có kỳ nghỉ hè.

Những tưởng không học các môn như: văn, toán, lý, hoá, ngoại ngữ... sẽ làm các em thấy thoải mái, nhưng ngay cả các môn năng khiếu như vẽ, nhạc, võ… cũng trở thành một gánh nặng, các em phải học quá nhiều, mất hết hứng thú.

Do cha mẹ các em bận đi làm, không có thời gian chơi với con hoặc hướng dẫn con đi chơi, nên kỳ nghỉ hè, các em không biết đi đâu, làm gì. Nhiều gia đình cũng muốn cho con trẻ ra ngoài giao lưu, cho con tự đi chơi nhưng vì sợ ra đường bị tai nạn giao thông, sợ bạn xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội, nên cách tốt nhất là “tống” đi học thêm, vừa được gặp gỡ bạn bè, vừa bổ sung kiến thức.

Ở các thành phố là vậy, còn ở miền quê, mùa hè của các em chủ yếu là phụ việc người lớn. Người lớn làm việc gì, trẻ con làm việc đó, cũng cày cuốc ruộng vườn, chăn nuôi để cải thiện kinh tế gia đình… Một số em vào các cơ sở sản xuất làm công. Đây cũng là thời điểm số lượng trẻ bán vé số, đánh giày, bán báo ở các khu vực đô thị tăng vọt, bởi công việc này không cần chuyên môn, nên không chỉ trẻ em nghèo ở thành phố mà ở các vùng nông thôn cũng đổ về.

Để một mùa hè đúng nghĩa không còn ở xa, theo các chuyên gia tư vấn, bậc cha mẹ cần tạo môi trường và dành thời gian dẫn dắt trẻ, giúp trẻ có những hoạt động vui chơi theo từng độ tuổi. Hướng trẻ vào những hoạt động như: học các môn năng khiếu nhạc, họa, thể thao hoặc đọc sách báo, nghe nhạc, xem những bộ phim ưa thích do chính các em lựa chọn dưới sự hướng dẫn của cha mẹ; cùng tham gia sinh hoạt xã hội, với sự tổ chức của các đoàn thể địa phương, các tổ chức tình nguyện. Rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như làm bếp, làm vườn, sửa máy tính, tạo blog, dịch sách… rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp như thăm bà con, thầy cô, bạn bè cũ… hay cùng gia đình về quê thăm ông bà, đi du lịch, chụp ảnh, quay phim, tạo album, viết về những gì mình trải nghiệm…

Các bậc cha mẹ hãy đầu tư cho trẻ không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng thời gian. Không nên vì lý do vì công việc quá bận, mà dồn gánh nặng mùa hè lên vai trẻ em, khiến mùa hè trở thành nỗi ám ảnh đối với chúng.

(Bùi Hữu Cường/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất