Từ năm 2008 đến nay có gần 60.000 hộ nông dân TPHCM bị thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển đô thị, khu dân cư tập trung nhưng tìm việc, chuyển nghề sang khu vực khác còn nan giải…
Khó và ít
Giúp nông dân học nghề để làm nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với nông nghiệp đô thị là chuyện khó. Việc dạy nghề cho nông dân không còn đất nông nghiệp để họ có tay nghề và chuyển nghề, tìm việc sang lĩnh vực khác là việc thật khó ở nông thôn hiện nay, trong khi mục tiêu của đề án giải quyết việc làm dạy nghề là tìm việc cho 40.000 – 50.000 lao động nông thôn/năm.
Đã có nhiều chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn không còn đất sản xuất nhưng việc học nghề và tìm việc đang là bài toán khó, nông dân vẫn chưa mặn mà. Có lẽ do nghề được đào tạo không được phong phú. Tình trạng gần 60% lao động nông thôn trên 30 tuổi, trình độ học vấn hạn chế, phần lớn lại chưa muốn học nghề và không thích tìm việc; cộng với thói quen làm nông nghiệp cá thể lâu nay cản bước họ đến với các nơi dạy nghề ở các huyện, quận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay có gần 60.000 hộ nông dân bị thu hồi đất, nhưng việc chuyển nghề sang lĩnh vực khác vẫn còn ít là điều mà Hội Nông dân (HND) TP lo ngại. Bởi đây là một trong những nội dung thuộc chương trình an sinh xã hội nông thôn.
Anh Nguyễn Văn Long (Chủ tịch HND huyện Củ Chi) cho biết, hiện nay đất nông nghiệp giảm, môi trường sản xuất ngày càng xấu, nông dân ít thiết tha với sản xuất là có thật nhưng lượng nông dân tham gia học nghề kỹ thuật còn quá ít nên việc chuyển nghề là việc khó.
Chưa chuyển
Thời gian qua việc dạy nghề thông qua các lớp khuyến nông chỉ phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là chính, chứ chưa tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Riêng huyện Nhà Bè với sự hợp tác giữa HND với Trung tâm dạy nghề trong việc giúp nông dân chuyển việc được coi là khá mạnh nhưng vẫn còn hạn chế.
Theo anh Nguyễn Văn Đứng (Chủ tịch HND Nhà Bè), kết quả dạy nghề cho nông dân mới đạt bước đầu, cần phải tổ chức theo hướng mở rộng, đa dạng nghề để vận động nông dân học nghề một cách sát thực tế và dễ kiếm việc làm. Có vậy mới thu hút nông dân trẻ. Các lớp về dạy lái xe, nghề may công nghiệp, may quần áo gia đình, kỹ thuật làm bonsai, làm hoa lan cây cảnh đã thu hút được hàng trăm thanh niên nông thôn tham gia theo học.
Nhưng đối với lớp nông dân trung niên trở lên, việc tham gia học tập, học nghề còn nhiêu khê vô cùng. Anh Nguyễn Văn Huệ (Chủ tịch HND huyện Hóc Môn) cho biết, HND cùng với Trung tâm Dạy nghề của huyện rất cố gắng đào tạo nghề lái xe 4 bánh, cơ khí, tin học, tiện, phay... Hội còn tính đến điều kiện giúp nông dân xuất khẩu lao động bằng cách hỗ trợ về thủ tục và vốn ban đầu nhưng bà con vẫn lắc đầu. Một năm hội mở 10 lớp dạy nghề, gần 300 học viên dự nhưng so với 6.478 hộ nông dân trong huyện, con số đào tạo trên còn quá ít. Nhiều người cho rằng, việc dạy nghề cho nông dân nên nhắm vào những nghề mang tính ổn định, có thể xoay xở một cách dễ dàng.
Theo Trung tâm Hỗ trợ nông dân TP (HND TP), đơn vị được giao nhiệm vụ giúp đào tạo, dạy nghề cho nông dân, kết quả đạt được trong thời gian qua là nghề về nông nghiệp theo phương pháp giảng dạy khuyến nông nhưng các nghề lĩnh vực khác vẫn còn nhiều khó khăn phải tập trung hơn.
Ông Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch HND TP, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân TP, cho biết khó khăn trong dạy nghề cho nông dân không chỉ ở năng lực tổ chức mà còn là tâm lý ngại học của bà con nên kết quả thực tế còn hạn chế. Trường hợp quận Thủ Đức, quận 9, dù Trung tâm Dạy nghề và HND phối hợp mở lớp nhưng kết quả còn thấp. Việc nông dân ngại học bởi lớn tuổi, cơ hội vào nhà máy, xí nghiệp hoặc chuyển nghề khác dù là khó nhưng không phải là tất cả. Ngay cả việc phối hợp đào tạo nghề để con em nông dân đi lao động sang các nước dù được tiến hành nhưng kết quả vẫn còn thấp. Nhu cầu dạy nghề, tìm việc cho nông dân không còn đất sản xuất ngày một cao nên cần có những chương trình cụ thể để tham gia giải quyết việc này./.
(Đặng Văn Thành/SGGP)