Chủ Nhật, 22/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 4/7/2012 21:58'(GMT+7)

Học tập và làm theo Bác: Anh bộ đội cắm xã

 

Điện Biên Đông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, Pú Hồng xã nghèo nhất của Điện Biên Đông. Diện tích tự nhiên hơn 12 ngàn ha, dân số hơn 3.600 người với gần 550 hộ thì hơn 60% hộ nghèo, 4 dân tộc: Mông, Khơ Mú, Lào và Thái cùng sinh sống. Giao thông đi lại vô cùng khó khăn, mùa khô đi xe máy từ huyện đến xã chừng 4 tiếng đồng hồ. Mùa mưa nước suối dâng cao, chảy siết, đường sá lầy lội, trơn trượt chủ yếu là đi bộ. Nhận công tác ở một xã vô cùng khó khăn, cái đói, cái nghèo, từ bao đời nay cứ níu kéo người dân nơi đây. Làm gì, làm như thế nào để: “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được được học hành” – như lời Bác Hồ dạy luôn trăn trở, thôi thúc lương tâm, đặt trách nhiệm lên vai Đội công tác số 6 và Đoàn Thanh Bình trên cương vị Đội trưởng. Phải góp phần chiến thắng đói nghèo – là mệnh lệnh của cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây và cũng là “mặt trận không tiếng súng” của Đội công tác.

6 năm về trước để đưa giống lúa mới cho năng xuất cao IR64 đến với nhân dân, phải có ruộng để thực nghiệm. Anh bàn với Đội công tác mượn ruộng của nhân dân, ban đầu bà con chưa tin sợ bộ đội làm hỏng ruộng. Kiên trì vận động, thuyết phục mãi rồi bà con cũng đồng ý. Với diện tích hơn 2000 m2, các anh tiến hành cày đổ ải phơi đất nỏ, sau đó đưa nước vào bừa ngấu. Sử dụng lá cây làm phân xanh, tận dụng phân trâu, bò trong thôn bản làm phân chuồng ủ mục, cấy lúa, phun thuốc trù sâu, làm cỏ…. Vụ thu hoạch lúa tháng 10/2006, trên diện tích thực nghiệm cho năng xuất gần 70 tạ/ha cao hơn năng suất bà con trồng từ 7 - 10 tạ/ha. Với đồng bào: "Tai nghe không bằng mắt thấy”, từ kết quả thu hoạch đã làm đã làm cho dân tin. Sau đó anh cùng Đội hướng dẫn nhân dân các bước tiến hành cách làm phân xanh, ủ phân chuồng, gieo cấy, chăm sóc theo quy trình lúa IR64. Hiện nay giống lúa mới này được đồng bào sử dụng đại trà. Trên cơ sở dân tin hiện nay anh cùng đơn vị tiếp tục triển khai hướng dẫn nhân dân sử dụng các giống mới trong trồng trọt, góp phần tăng sản lượng và giá trị thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích.

Đồng bào nơi đây mỗi gia đình thường có từ 2 đến 4 con trâu. Con trâu là “đầu cơ nghiệp” với mỗi gia đình trâu chẳng những là khối tài sản lớn, có giá từ 14 đến 20 triệu đồng/con mà còn là nguồn sức kéo quan trọng cho sản xuất. Ấy vậy sau khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào vùng cao Pú Hồng có tập quán thường thả trâu vào rừng, đến vụ nương năm sau mới vào rừng tìm trâu về cày kéo. Mùa đông giá rét, cây cỏ không mọc trâu đói, do không được chăm sóc tại nhà nên trâu dễ mắc bệnh dịch. Mỗi năm có tới hàng trăm con trâu bị chết, số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Xót xa, thông cảm Đoàn Thanh Bình cùng Đội công tác kiên trì vận động nhân dân làm chuồng trại, không thả gia súc vào rừng trong mùa đông, thực hiện tiêm phòng cho gia súc. Để có nguồn thức ăn cho trâu ở thời điểm mùa đông tháng giá, anh hướng dẫn vận động nhân dân không đốt rơm sau khi thu hoạch, mà rơm phơi khô tại đồng mang về nhà đánh thành đống, để mùa đông trâu có thức ăn thay cỏ. Nhờ vậy đàn trâu không bị chết vì đói, vì dịch bệnh, vì xương giá. Chẳng đảm bảo sức kéo cho sản xuất, trâu sinh sôi phát triển và đã trở thành hàng hóa góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho đồng bào.

Trên cơ sở diện tích đất được cấp ủy, chính quyền bố trí phục vụ nơi ăn, chốn nghỉ cho Đội. Tận dụng đất đai hiện có, các anh tổ chức chăn nuôi, trồng trọt, xin được gọi là “mô hình trình diễn”. Một dãy chuồng trại: Lợn nái siêu nạc, vịt, gà siêu trứng…đến vườn rau đủ các loại rau củ… mùa nào thức ấy chẳng những đảm bảo “hậu cần tại chỗ” cho Đội, mà điều quan trọng hơn cả là mô hình của Đội tiện đường để đồng bào tham quan học tập, làm theo. Với đồng bằng, vùng thấp việc sử dụng giống mới, làm phân xanh, ủ phân chuồng, thực hiện các công đoạn chăm sóc lúa, cách chăn thả và chăm sóc gia súc từ lâu đã trở nên công việc bình thường. Nhưng với đồng bào: Mông , Khơ mú, Lào, nơi đây khi được nhân dân tiếp nhận làm theo có thể coi như “ cuộc cách mạng khoa học” ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống.

Cùng với việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Đội là cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo công tác cán bộ Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ thôn bản đến xã. Đội đã làm tốt công tác tham mưu cho cho Đảng uỷ,HĐND và UBND xã chăm lo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ từ thôn bản, cách thức lãnh đạo, nội dung sinh hoạt của chi bộ và công tác phát triển đảng viên. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, chất lượng nguồn nhân lực xây dựng chương trình và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch, củng cố tổ chức, huấn luyện lực lượng dân quân, diễn tập tác chiến trị an, công tác quân sự, an ninh cơ sở…..

Trao đổi kinh nghiệm công tác vận động, Đoàn Thanh Bình cho biết: "Điều quan trọng nhất phải tích cực, thực lòng, kiên trì và thận trọng. Muốn tuyên truyền giải thích phải biết tiếng dân tộc. Để vận động thì phải gần dân, hiểu dân, nắm vững tâm lý, phong tục tập quán, cái ăn, cái ở, cái mặc cùng đời sống văn hóa của đồng bào. Để dân tin phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân,nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin."

Gần 10 năm gắn bó với cơ sở, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của Đội công tác số 6 mà Thượng tá Đoàn Thanh Bình là cánh chim đầu đàn, đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tăng cường mối quan hệ máu thịt quân, dân. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Góp phần quan trọng vào “cuộc chiến” xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn xã. Pú Hồng nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của các anh, hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã tỏa sáng trên vùng đất Điện Biên Đông còn nhiều gian khó.

Đỗ Quang Khải

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất