Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 25/1/2009 8:55'(GMT+7)

Học tập và làm theo lời dạy của Bác về đoàn kết trong Đảng

 Đoàn kết là nguyên nhân của mọi thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc ta đã nói:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công” (1).

Về đoàn kết trong nội bộ Đảng, Bác Hồ dạy: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Đánh mất sự đoàn kết nhất trí trong Đảng thì khác nào như đôi mắt của con người ta không còn con ngươi; mắt mà không còn con ngươi thì sẽ không nhìn thấy gì. Đảng mà không có sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì không thể lãnh đạo được cách mạng.

Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của mọi thành công. Bác Hồ chỉ ra thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh điều đó: “bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được hết cả. Ví dụ: lật đổ chế độ thực dân phong kiến có khó không? Khó thế nhưng ta đoàn kết nên ta lật đổ được. Lúc bắt đầu kháng chiến ta ở trong hoàn cảnh rất khó khăn. Pháp có hải quân, không quân, xe tăng, có những tên tướng có kinh nghiệm mấy chục năm, có khí giới của Mỹ giúp. Lúc đó cơ đồ ta chỉ có tay không mà phải đánh một kẻ địch mạnh hơn. Nhưng chúng ta đã thắng. Vì sao? Vì đoàn kết”(3).

Vấn đề quan trọng nhất trong tư tưởng đoàn kết của Bác là trước hết phải đoàn kết nhất trí trong Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách, về tổ chức các hành vi thực hiện. Bác Hồ nói “Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”(4). Bác Hồ hết sức coi trọng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, bởi vì sự đoàn kết này là “hạt nhân” để giữ gìn, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Bác đã viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”(5).

Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mà trước hết là sự đoàn kết trong Đảng. Văn kiện Đại hội IX đã chỉ ra: “Một số tổ chức Đảng… nội bộ không đoàn kết”(6). Đảng mà không đoàn kết thì khó có thể thực hiện được sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới của nước ta trong tình hình hiện nay.

Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Làm gì để giữ gìn, phát triển sự đoàn kết nhất trí trong Đảng? Bác Hồ chỉ ra: Đảng phải thường xuyên thực hành dân chủ rộng rãi và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Trong mọi giai đoạn phát triển của cách mạng, đoàn kết nhất trí trong Đảng, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân luôn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử cách mạng của nước ta.

Trước lúc qua đời Bác Hồ căn dặn: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giầu mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (7).

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo, trước hết là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đem lại. Chính nhờ có đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng mà chúng ta có được những thắng lợi vẻ vang, kỳ tích trong cách mạng tháng 8-1945; trong đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập, tự do trọn vẹn cho dân tộc; thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước tiến lên theo con đường định hướng XHCN.

Giai đoạn hiện nay - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đi đôi với củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phát huy hết các nguồn nội lực, sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn ngoại lực cho xây dựng đất nước và hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước để đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, tiên tiến, sánh vai cùng với các nước phát triển trên thế gới.

Để củng cố và phát triển sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đã chỉ rõ : “Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động… Đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, thực hiện đúng Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc…“(8). Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) nhấn mạnh “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9). Đại hội X của Đảng nhấn mạnh : “chăm lo củng cố sự đoàn kết, thống nhất và tình đồng chí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình”(10). Để Đảng ta luôn luôn trong sạch, vững mạnh lãnh đạo đưa cách mạng nước ta không ngừng tiến lên, đó là điều mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt. Những quan điểm và việc làm trên đây cũng chính là nhằm thực hiện nghiêm túc Di chúc của Bác Hồ về đoàn kết nhất trí trong Đảng, phát huy vai trò “hạt nhân” để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, tạo ra sức mạnh vô song, đưa sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng của nước ta đến thắng lợi cuối cùng.

Các tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sơ,ã hàng năm ít nhất phải có 2 lần họp hội nghị toàn thể (không kể họp chi bộ thường kỳ) để kiểm điểm đánh giá những việc làm của tổ chức đảng mình trên tinh thần tự phê bình và phê bình, làm rõ ưu điểm và khuyết điểm; đồng thời đề ra biện pháp để phát huy ưu điểm và khắc phục thiếu sót. Trong tự phê bình và phê bình cấp uỷ phải gương mẫu nhận thiếu sót khuyết điểm để Đảng viên noi theo, tránh tình trạng xuê xoa chỉ nêu thành tích và ưu điểm mà không mạnh dạn nhận khuyết điểm (nếu có) để sửa chữa.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng CNXH thắng lợi và bảo vệ Tổ quốc là một sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp của muôn dân, sự nghiệp của đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết 54 dân tộc anh em trong cả nước và đoàn kết với bè bạn 5 châu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Từ thời các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, đặc điểm quý báu nhất của khối đoàn kết của dân tộc ta là toả khắp non sông và quy về một mối, dựa trên một nền, xoay quanh một trục. Bởi lẽ hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, đều là con cháu Lạc Hồng. Đoàn kết luôn luôn là truyền thống, là sức mạnh của dân tộc ta để thắng kẻ thù xâm lược bảo vệ non sông đất nước.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc mà hạt nhân là sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là kim chỉ nam để xây dựng sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, hành động của Đảng và của dân tộc ta trong mọi giai đoạn cách mạng để đưa đất nước đến mục tiêu thắng lợi cuối cùng.

Đại đoàn kết toàn dân tộc mà trước hết là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, là sức mạnh và nguyên nhân của mọi thắng lợi trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng nước ta, từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo.

Gần 80 năm qua, từ khi thành lập Đảng đến nay, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, Đảng ta đã đoàn kết tổ chức và lãnh đạo nhân dân đồng tâm, đồng sức, lập nên nhiều kỳ tích trong sự nghiệp cách mạng của nước ta đưa đất nước từ chỗ là một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do có chủ quyền thống nhất lãnh thổ, có vị thế trên trường quốc tế và đang từng bước tiến lên CNXH, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh./.

PGS, TS Cao Duy Hạ

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


——————

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H, 1996, tr.350.

(2), (4), (5) Sđd, t.12, Nxb CTQG, H, 1996, tr.510

(3) Sđd, t.8, Nxb CTQG, H, 1996, tr.403.

(6) Văn kiện Đại hội IX, Nxb CTQG, H, tr.52.

(7) “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hồ Chí Minh. toàn tập, Nxb CTQG, t.12, tr.491 (3).

(8) NQTW 6 (lần 2), Nxb CTQG, H, 1999, tr.24-25.

(9) NQTW 7 (khoá IX), Nxb CTQG, H, 2003, tr.18.

(10) Văn kiện Đại hội X, Nxb CTQG, H, 2006. tr.283.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất