Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 23/1/2009 9:43'(GMT+7)

Mùa xuân là tết trồng cây

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó đến nay, mỗi khi Xuân về, Tết đến, nhân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây” theo lời Bác. Xuân Kỷ Sửu 2009 năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đón chào 60 năm thực hiện lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ.

“Tết trồng cây” là một tư duy và hoạt động văn hóa, trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta từ miền ngược đến miền xuôi, nông thôn tới thành thị. Tư duy và việc làm này không mang tính phổ biến trên thế giới, mà thể hiện sắc thái, diện mạo về tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. “Tết trồng cây” là một dấu ấn văn hóa Hồ Chí Minh trong nền văn hóa Việt Nam đương đại.

“Tết trồng cây” vào đầu năm - mùa Xuân, không chỉ là sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, đất trời; khí hậu mùa xuân làm cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, mà đây còn là một việc làm có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa xuân. Vì vậy, trồng cây vào mùa Xuân là làm cho đất nước và Đảng “càng ngày càng xuân”. Trồng cây theo quan điểm Hồ Chí Minh vừa là vấn đề kinh tế, chính trị, vừa là vấn đề văn hóa- xã hội, suy đến cùng là góp phần tạo nên diện mạo đất nước, dân tộc Việt Nam trong xây dựng đất nước.

Nhìn tổng thể, Hồ Chí Minh cho rằng thực hiện “Tết trồng cây” là việc làm “tốn kém ít mà lợi ích nhiều”.

Về ý nghĩa chính trị, theo quan điểm Hồ Chí Minh, đây là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng- đều có thể hăng hái tham gia. Trừ trẻ em thơ ấu, còn lại đều có thể huy động sức mạnh toàn dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là các đoàn thể quần chúng, tham gia “Tết trồng cây”. Cả nước ra quân trồng cây thể hiện sự đồng lòng, nhất trí từ trên xuống dưới, từ già đến trẻ tạo nên sức mạnh chính trị- văn hóa của cả một dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước.

Về ý nghĩa kinh tế thì thật rõ ràng. Nếu mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt – như cách tính của Bác Hồ, 11 triệu người, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây, mỗi kế hoạch 5 năm sẽ có 90 triệu cây (số cây sẽ tăng lên với việc tăng dân số), đó là nguồn lợi lớn về cây ăn quả, cây có hoa, cây gỗ làm cột nhà và các công dụng khác. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta.

Về ý nghĩa văn hóa - xã hội thì vô cùng quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn. Theo nghiên cứu của chúng tôi, tư duy của Hồ Chí Minh về “Tết trồng cây” phản ánh cả một trí tuệ và tầm nhìn về văn hóa, về phát triển bền vững.

Khi viết bài “Tết trồng cây”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn”. Hơn mười năm sau, Tổ chức Giáo dục- Khoa học- Văn hóa Liên hợp quốc mới bàn tới vấn đề môi trường. Như vậy, Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn “vượt thời đại” về vấn đề môi trường, một trong những khía cạnh quan trọng nhất về phát triển và phát triển bền vững. Tư duy và hành động của Hồ Chí Minh là nhất quán từ đó đến tận cuối đời. Trước lúc đi xa, trong tổng thể tư duy về một cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm dặn lại trong Di chúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt những vấn đề về môi trường. Người viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng... Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Người cũng chú ý tới môi trường lao động (vệ sinh lao động). Trong ý định xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh, Người chú trọng khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, góp phần tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.

Giờ đây, qua những gì diễn ra trong bối cảnh mới của thế giới và Việt Nam, suy nghĩ nghiêm túc những lời dặn lại của Bác và việc làm của Người, chúng ta càng cảm nhận và thấu hiểu sâu xa tầm nhìn của lãnh tụ - danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh về Tết trồng cây và vấn đề môi trường. Suốt cả cuộc đời, Người không chỉ chăm lo làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở (liên quan đến trồng cây), làm cho dân được học hành, làm cho dân được chữa bệnh, mà sâu xa hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn là ăn thế nào, ở thế nào, mặc thế nào…, tức là không chỉ quan tâm tới mức sống mà cao hơn là chất lượng sống. Đó là một trong những vấn đề của phát triển bền vững, của an sinh xã hội theo tư duy hiện nay.

Chúng ta không khỏi ngậm ngùi và đau lòng mỗi khi nhắc lại những trận lũ quét, sự ô nhiễm các dòng sông, ô nhiễm khí hậu, làm mất đi nhiều sinh mạng mà các nhà khoa học đã cảnh báo theo cách diễn đạt của họ là các cánh rừng đều chết, các dòng sông đều chết, các thành phố bụi. Rồi ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm, v.v..

Nguyên nhân do đâu? Do sự vô ý thức của con người; do thiếu trách nhiệm của con người; do sự phá hoại của con người; do những lỗ hổng của luật pháp và pháp luật chưa nghiêm và minh.

Đọc lại bài “Tết trồng cây” của Bác viết cách đây 60 năm và những gì Người dặn lại, nêu gương cho chúng ta, rõ ràng đó là sự cảnh báo sớm của vĩ nhân, của một trí tuệ văn hóa.

Chúng ta có lỗi với Người. Và vì vậy, phải bắt tay ngay vào làm những việc gì có ích để góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “càng ngày càng xuân” như điều Bác Hồ hằng mong ước./.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất