Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 29/5/2009 21:51'(GMT+7)

Học và làm theo Bác Hồ: Mỗi người làm một việc tốt

Đó là những đại diện xuất sắc trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và được mời giao lưu tại trường quay S9, Đài Truyền hình Việt Nam chiều 26-5. Cuộc giao lưu toạ đàm do Ban Tuyên giáo TW, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức.

Tiết kiệm để giúp đỡ những người khó khăn là những việc làm cụ thể của chị Nguyễn Thị Thuỷ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ và các hội viên xóm Sen 2, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đã làm hàng ngày, hàng tháng. Không chỉ dừng lại ở việc học tập các chuyên đề theo hướng dẫn của cấp trên, bản thân chị Thủy đã trực tiếp đi gặp gỡ và mời các mẹ đã từng được gặp Bác Hồ đến các buổi sinh hoạt hội để nói chuyện. Chính những mẩu chuyện chân thực qua lời kể của những người trong cuộc đã giúp các hội viên và nhân dân trong xóm hiểu hơn về cuộc đời của Bác. Những lời căn dặn và niềm mong ước của Bác Hồ vẫn được nhân dân trong thôn, trong xã luôn khắc ghi. Những chị em sinh sau ngày hoà bình và cả đến những thế hệ 8X, 9X cũng được nghe nhiều lần những câu chuyện về Bác khi Người về thăm quê. Đó cũng chính là cách để người dân Kim Liên lưu truyền lại những ký ức về Người.

Với vai trò là Chi hội trưởng, chị Thủy tổ chức hội nghị bàn bạc dân chủ và quyết định đăng ký hưởng ứng và thực hành tiết kiệm theo lời Bác Hồ dạy. Hai hình thức tiết kiệm tiền mặt và gạo đã được toàn bộ hội viên hưởng ứng nhiệt tình. Bản thân chị là người đầu tiên trong BCH Hội Liên hiệp phụ nữ xã về vận động gia đình nuôi heo nhựa và làm hũ gạo tiết kiệm. Giờ thì đã thành lệ, hàng tháng vào trưa 14, các mẹ, các chị lại tập trung mở ống tiết kiệm tại nhà văn hóa xã, rồi thống nhất xét cho hội viên vay không tính lãi; nếu gia đình nào gặp khó khăn, hoạn nạn thì hỗ trợ không hoàn lại. Đến nay, kết quả xây dựng hũ gạo tình nghĩa, ống tiền tiết kiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kim Liên đã có 100% hội viên tham gia với tổng số tiền quyên góp được là 7.755.000 đồng và 61kg gạo... Bên cạnh đó, chi hội phụ nữ Sen 2 cũng đã thành lập Quỹ khuyến học nhằm khuyến khích ý chí học tập của con em trong xóm. Em nào có hoàn cảnh khó khăn cũng đều được giúp đỡ để vượt lên trong học tập và lao động. Nghe lời Bác phải khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và học tập, lao động tốt, chị em trong chi hội đã xây dựng vườn rau dinh dưỡng, vườn rau sạch để phục vụ bữa ăn và sức khoẻ hàng ngày. Theo chị Thủy, học tập và làm theo lời Bác nên bắt đầu từ chính những việc làm cụ thể, hàng ngày, đối với chị em phụ nữ làm nông nghiệp đơn thuần, họ có thể không hiểu tư tưởng là như thế nào, nhưng nếu như hướng dẫn từng cách làm cụ thể và giải thích đó là cách học tập và làm theo Bác Hồ thì họ triển khai rất nhanh. Bởi ai ai cũng muốn mình là người làm theo Bác, đang học được những đức tính tốt từ Bác.

Nhớ lời Bác dặn "Thương binh tàn nhưng không phế". Đối với ông Nguyễn Văn Thốn, một thương binh 3/4, Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) lại có một cách làm theo khác. Nhớ lời Bác dạy "thương binh tàn nhưng không phế", ông và những hội viên trong Hội đã bàn nhau tìm cách phát triển kinh tế. Năm 2002, chứng kiến cảnh cuộc sống của những cựu chiến binh còn gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đồng tiền mua sắm, ông đã đề xuất xây dựng mô hình bến xe tĩnh tại khu vực bãi Sậy, Cầu Đơ (Hà Đông). Để hình thành bến đỗ xe, ông và 8 người trong nhóm đã bỏ công sức san lấp hơn 900m² bãi lầy. Thấy khó khăn, 3 người xin nghỉ, ông và 5 người nữa, cùng số vốn 3 triệu đồng tiếp tục bỏ công sức để làm hạ tầng bãi xe... Đến nay, bãi xe có diện tích 8.400m²; hàng tháng số lượt xe ô tô được trông giữ lên hơn 400 xe và hàng ngàn xe máy. Bãi xe đã tạo công ăn việc làm cho 16 cựu chiến binh và 48 hộ lao động ở địa phương với mức lương thấp nhất là 2,5 triệu đồng; doanh thu của toàn bến xe hàng năm hơn 1 tỷ đồng... Điều quan trọng sau khi lập được bến, chẳng những đã tăng thêm thu nhập cho Nhà nước mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Học Bác lòng nhân ái bao la, chị Bùi Thị Thắm giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) đã tận tình giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị xã hội xa lánh. Năm 2008, lớp 3 của chị có 2 cháu bị nhiễm HIV từ bố mẹ, thực tế đó khiến một người giáo viên có thêm vai trò là hoà giải viên và y tá viên. Chị vừa phải căn dặn các em trong lớp giúp bạn chơi hoà đồng cùng cả lớp, vừa giảng giải và trông nom để không bị sơ xảy gì trong quá trình các em chơi đùa với nhau, cũng chính chị tự đặt đồng hồ báo giờ để cho các em uống thuốc. Đến nay, khi các em đã lên lớp 4, mỗi khi nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức, chị vẫn nhớ, đó là giờ 2 em học sinh của mình phải uống thuốc. Không chỉ dừng lại ở đó, chị còn kèm cặp giúp đỡ 2 em từ học sinh chỉ biết tự ti, đến trường cho đủ buổi trở thành 2 học sinh tiên tiến. Kết quả đó rất xứng đáng với công lao mà chị đã bỏ ra để chăm lo, giúp đỡ học sinh của mình.

Chị Thắm được biết đến bởi các danh hiệu nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều lần đoạt giải thưởng chữ đẹp của ngành giáo dục và giúp đỡ nhiều học sinh đoạt giải thưởng chữ đẹp cấp tỉnh. Nhưng để có ngày hôm nay, chị đã phải trải qua gần 10 năm vất vả dạy học ở nơi vùng sâu, vùng xa của huyện đảo Vân Đồn. Cái khắc nghiệt của điều kiện sống trên đảo thì ai cũng biết, nhưng ở vùng sâu còn khó khăn gấp vạn lần: không điện, không nước sạch, nhà tạm, đường lội suối, lội đèo. Trường chỉ cách nhà 20 km mà không thể đi về trong ngày được. Ngần ấy những khó khăn nhưng cũng không ngăn cản được lòng nhiệt huyết của một cô giáo mới ra trường. Chị vẫn hàng ngày gieo cái chữ cho các em cần mẫn suốt gần 10 năm. Hôm nào ít học sinh quá thì học ghép chứ chị không chịu để học sinh của mình phải nghỉ học buổi nào.

Chị Thắm tâm sự, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, hát đi hát lại "ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh" khiến chị tâm nguyện phải làm gì đó cho thế hệ măng non của đất nước. Lý do đó khiến chị đến với nghề dạy chữ này. Thấm nhuần lời Bác dạy "vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" đã giúp chị có những nghị lực để vượt qua mọi khó khăn để đến với học sinh, vì học sinh.

Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh chính là việc làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình, cụ thể là phải học thật giỏi, nghiên cứu tốt để giúp ích cho cuộc đời là tâm niệm của Lê Thị Phương Thảo (SN 1986), sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân Y. Hiểu như vậy và cô đã làm tốt những điều mà một sinh viên trên ghế giảng đường phải làm. Thành tích học tập của Thảo rất đáng nể: 4 năm liền là học viên loại giỏi, 3 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Thảo được kết nạp vào Đảng khi mới bắt đầu năm học thứ 2 (năm 2006). Thảo là 1 trong 8 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2008 và là 1 trong 20 gương mặt sinh viên tiêu biểu làm theo lời Bác của Trung ương Đoàn năm 2008. Cô cũng các bạn trong lớp tham gia các công trình nghiên cứu khoa học các cấp và nhiều lần đạt giải. Thảo tâm sự, "Với em, cố gắng học tập tốt, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp thầy thuốc của mình chính là làm theo lời Bác Hồ dạy".

Tiết kiệm từng trang giấy, từng chiếc bút bị bỏ rơi. Đó là những việc mà nhà văn-dịch giả Dương Thu Ái đã làm trong suốt nhiều năm qua. Ông có một thói quen chỉ sử dụng một loại bút duy nhất là bút bi, mà phải là loại bút ông đi nhặt ở ngoài đường mang về. Ông cũng chỉ sử dụng một loại giấy để viết, đó là giấy phế loại, khổ A4, hầu hết đã được người ta đã sử dụng một mặt. Không phải là nhà văn Dương Thu Ái thiếu tiền. Vợ chồng ông có nhà cho thuê, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng, tiêu không hết tiền. Các con của ông đều phương trưởng và khá giả. Có lần con gái ông đã mua làm quà cho bố viết văn cả hộp bút xịn, cả lố giấy ngoại và thậm chí còn lắp đặt cho ông cả máy vi tính nhưng ông không chịu và vẫn duy trì thói quen thú vị đó.

Ông nói, trước kia, Bác Hồ cũng với mẩu bút chì và những trang giấy viết dở mà Bác vẫn làm những việc lớn cho đất nước, tôi mới chỉ viết bản thảo thì vẫn chưa thấm tháp gì, nhưng bù lại, khi xuất bản sách, tôi lại đem tặng cho những đối tượng ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người có hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua sách. Làm được một việc gì dù rất nhỏ những giúp được người khác, giúp cho cuộc sống thì tôi cũng nguyện làm cho đến hết cuộc đời./.

AT-Theo: CPV
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất