Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 21/5/2009 8:44'(GMT+7)

Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo lời dạy của Bác Hồ

Bác Hồ    (Tranh của Nguyễn Công Quang)

Bác Hồ (Tranh của Nguyễn Công Quang)

Trong tác phẩm: Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu Bác Hồ đã phân tích sâu sắc lợi ích của tiết kiệm và tác hại của các tệ nạn tham ô, lãng phí quan liêu đối với công cuộc xây dựng đất nước; Người đòi hỏi các tổ chức Đảng, chính phủ, các đoàn thể chính trị xã hội cùng mọi người dân phải ra sức tiết kiệm và đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu để cùng nhau xây dựng đất nước giầu mạnh.

Tiết kiệm theo lời dạy của Bác Hồ “ Là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, tiết kiệm không phải là bủn xỉn mà những việc lợi ích cho đồng bào cho tổ quốc thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực thực hành tiết kiệm trong đời sống cá nhân và luôn luôn tiết kiệm thời gian của cán bộ, nhân dân; nhắc nhở cán bộ, Đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm để xây dựng CNXH vì hạnh phúc của nhân dân

Tiết kiệm được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách. Tiết kiệm tiền bạc trong chi tiêu, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu trong xây dựng, tiết kiệm thời gian lao động, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân v.v.. đều là việc làm cần thiết. Bác Hồ đã dạy: “Cần, kiệm, liêm, chính”, lời dạy trên đây đòi hỏi trong mọi hoạt động của các tổ chức xã hội: Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp và từng cá nhân phải thực hành triệt để tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí .Tiết kiệm mà không chống tham ô, lãng phí thì khác nào gió thổi vào nhà trống. Tham ô theo lời chỉ dẫn của Bác đó “Là trộm cướp, là hành động sấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Lãng phí là mắc phải bệnh “Phô trương hình thức”, lãng phí có khi còn tai hại nhiều hơn tham ô, lãng phí tuy không lấy của công đút túi song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho chính phủ. Ở nước ta hiện nay lãng phí diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: Trong các cơ quan hành chính bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, trong nhân dân, trong xây dựng cơ bản, trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong chi tiêu hành chính… Theo đánh giá của các cơ quan chức năng nhà nước thì lãng phí trong lĩnh vực xây dựng là lớn nhất, chiếm khoảng trên 20% tổng số vốn đầu tư. Quan liêu là bệnh “xa rời thực tế, xa rời quần chúng, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng”, hậu quả của nó là đưa đến hỏng việc. Để trừ diệt các tệ nạn, tham ô, lãng phí, quan liêu phải truy tìm rõ nguyên nhân, nguồn gốc sâu xa gây ra những tệ nạn đó. Theo sự nhận định có khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng nhà nước, thì nguyên nhân của tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu hiện nay là do một số cán bộ lãnh đạo, quản lý của một số tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp thiếu gương mẫu, có những hành vi xấu, ăn cắp và tiêu sài của công bừa bãi, do đó không phát động được phong trào quần chúng lên án lối sống xa hoa, ngăn chặn tệ chi tiêu, sử dụng lãng phí của công. Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước thì thiếu chỉ đạo, quản lý, kiểm tra chặt chẽ, chưa thường xuyên và chưa xử lý nghiêm minh những trường hợp gây ra tham ô, lãng phí tài sản nhà nước. Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: Bệnh quan liêu là nguồn gốc của tham ô, lãng phí. "Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí". Kinh nghiệm cho thấy rằng: "Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô". Do đó, để không có tham ô, lãng phí xảy ra, phải "tẩy sạch bệnh quan liêu". Bệnh quan liêu thường có trong những cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước có chức có quyền ở các cấp, và chính do sự quan liêu của họ trong công tác lãnh đạo quản lý đã dẫn đến tình trạng tham ô, lãng phí. Bác Hồ chỉ rõ: "Nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước gây ra".

Để thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, quan liêu đòi hỏi:

Một là, các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở phải trực tiếp lãnh đạo việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí bằng những chương trình hành động cụ thể và tổ chức động viên quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả nhất. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phóng chống tham nhũng, lãng phí để từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội X tạo ra được bước chuyển biến mạnh trong thực hiện tiết kiệm, phòng chống tham nhũng tham ô, lãng phí. Những vụ việc đã phát hiện và có chứng cứ phải đưa ra xét xử công khai và có hình thức kỷ luật thích đáng, thu hồi tài sản mất mát về cho công quỹ. Những vụ việc đã có đơn thư tố giác hoặc biểu hiện nhưng chưa có chứng cứ cụ thể phải tổ chức thanh tra, kiểm tra nếu đúng thì đưa ra xét xử ngay, nếu không đúng thì giải thích cho nhân dân rõ; tuyệt đối không được che đậy bưng bít để làm mất lòng tin của nhân dân. Đồng thời, phải củng cố bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, đi vào sàng lọc, lựa chọn để có một đội ngũ cán bộ quản lý hành chính, quản lý kinh tế đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, có đủ tài năng quản lý kinh tế-xã hội theo tiêu chuẩn khách quan đặt ra, đặc biệt là những cán bộ quản lý nhà nước có quyền lực và trách nhiệm liên quan trực tiếp đến việc ban hành các chính sách chế độ, hoặc ra lệnh thực hiện các hoạt động trong quản lý kinh tế và đời sống xã hội. Song song với vấn đề trên là việc tích cực cải cách nền hành chính nhà nước như tinh thần Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa VII) và nghị quyết hội nghị ban chấp hành trung ương 9 khoá X đã đề ra; chống mọi thủ tục phiền hà sách nhiễu do quan liêu và vô trách nhiệm gây ra làm thiệt hại của cải xã hội. Đặc biệt là chống tệ ăn hối lộ ở một số cán bộ trong các cơ quan quản lý hành chính và kinh tế của Nhà nước. Phải xây dựng và giáo dục cho được một đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có đạo đức và nhiệt tình cách mạng xã hội chủ nghĩa, trung thực, chí công vô tư, biết quý trọng từng đồng xu của nhân dân lao động làm ra, trong công tác quản lý phải biết sử dụng tiền của đúng lúc, đúng chỗ, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người, trong đó có bản thân mình, gia đình mình. Đúng như lời dạy của Bác Hồ: "Muốn giữ đúng nhân cách, tránh khỏi hủ hóa thì phải luôn luôn thực hành 4 chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính".

Hai là, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội phải thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng. Trừng phạt nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai mắc tội tham ô, tham nhũng và gây ra lãng phí tiền của vật tư, tài sản của xã hội. Bác Hồ khẳng định: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến". Xét về góc độ nào đó, người gây ra sự lãng phí lớn của cải của xã hội cũng tai hại như sự phá hoại của kẻ địch đối với đất nước; không nên coi thường hoặc bỏ qua sự phá hoại đó, phải cảnh giác, đề phòng và có biện pháp trừng trị thích đáng phù hợp để tránh hiểm họa cho nền kinh tế. Sự gây ra lãng phí tài sản của đất nước, tội lỗi đó không kém gì những tên giặc. Trừng phạt những tên giặc ấy là nhiệm vụ tất yếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế ở nước ta. Các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị xã hội được cấp kinh phí chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của chính phủ tiết kiệm 10% kinh phí hàng năm. Đơn vị nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc phải chịu trách nhiệm trước chính phủ và trừ vào kinh phí của năm sau. Các doanh nghiệp kinh tế tự chủ về chi phí cũng phải triệt để tiết kiệm chi phí hành chính và các chi phí khác để hạ giá thánh sản xuất

Ba là, hủy bỏ mọi chế độ chi tiêu không đúng và không hợp lý đang còn tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội hiện nay. Điều này đòi hỏi các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội theo chức trách của mình rà soát lại các văn bản, quy định và những chế độ, chính sách liên quan để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ về tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chính sách, chế độ nào không còn phù hợp thì kiên quyết hủy bỏ và ban hành ngay cái mới để thay thế.

Bốn là, tổ chức thành phong trào cách mạng của đông đảo quần chúng để trừ diệt tệ nạn tham nhũng, tham ô, lãng phí. Bác Hồ dạy: "Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên". Chúng tôi cho rằng đây là nhiệm vụ cách mạng không kém phần khó khăn gian khổ, những người gây ra sự lãng phí lớn hoặc tham ô tham nhũng lại thường là những cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy quản lý nhà nước, chính họ mới có điều kiện để tham ô, tham nhũng, lãng phí của công. Bởi vậy, không chỉ thuần túy dựa vào bộ máy nhà nước để chống nạn tham nhũng, tham ô, lãng phí, tệ quan liêu mà phải tổ chức thành phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng Đảng để vừa tổ chức thực hiện, vừa kiểm tra việc làm của Nhà nước. "Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân", biết lấy dân làm gốc thì nhiệm vụ khó khăn mấy cũng giành được thắng lợi. Để thành công trong việc khắc phục tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, phải tổ chức thành phong trào cách mạng của đông đảo quần chúng để đấu tranh và thực hiện. Bác Hồ chỉ rõ “ Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tuyên truyền một cách thường xuyên với những nội dung, hình thức phù hợp về tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước ta về tiết kiệm, phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí để tạo ra được quy tắc trong đời sống xã hội; biểu dương người tốt, việc tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng tham ô và các hành vi ăn cắp, lãng phí của công gây thiệt hại tài sản quốc gia để mọi người tham gia phong trào đấu tranh chóng các tệ nạn nói trên không còn lo ngại về sự trả thù của bọn chúng.

  • PGS.TS Cao Duy Hạ

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Những câu trong ngoặc kép của bài này đều trích từ Hồ Chí Minh - Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. NXB. Sự thật, H., 1981.)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất