Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 27/5/2009 14:48'(GMT+7)

Đã vì dân, đâu cần danh lợi

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên gặt mùa (1954).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên gặt mùa (1954).

Và Người hình dung ra cái viễn cảnh của một ngày "được lui" như thế: "Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Đúng như lời tâm sự, trong thực tế, Bác Hồ luôn thực hiện triệt để phương châm: Tất cả vì dân. "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh". Và đã vì dân thì tuyệt đối không băn khoăn suy tính về vấn đề danh lợi.

Đã có rất nhiều câu chuyện để minh chứng cho nhận định này. Ở đây, tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ liên quan đến lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Chúng ta đều biết, tập thơ "Nhật ký trong tù" được Bác hoàn tất trong khoảng thời gian từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943, là thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà giam ở Quảng Tây, Trung Quốc. Đọc tập thơ, các bậc thức giả (nhất là những người rành chữ Hán) không ai là không phục "tay nghề" của tác giả Hồ Chí Minh. Thậm chí, nhiều người còn thừa nhận Bác là một nhà thơ lớn. Vậy nhưng, phải mãi nhiều năm về sau, tiếp xúc với Người, anh em văn nghệ sĩ ta mới biết Người "có làm thơ".

Ở Việt Nam, lần đầu tiên một chùm thơ trong "Nhật ký trong tù" được đưa giới thiệu trên báo là vào ngày 3/3/1959 (trên báo Nhân dân). Còn tập thơ thì phải đến năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và 70 năm sinh nhật Bác, mới lần đầu tiên được ấn hành (tại NXB Văn học).

Nguyên nhân là vì tác giả chỉ xem tập thơ như một thứ nhật ký riêng của mình, và khi viết xong, Người gần như không đoái hoài tới số phận của nó nữa. Bởi thế mà tập thơ có thời gian gần như bị rơi vào quên lãng. Ấy là chưa kể, vì lý do khách quan mà khi Người còn sống, cũng có một số bài trong tập chưa được công bố rộng rãi. 

Từ câu chuyện trên, liên hệ với việc xuất bản hiện nay, ta lại buồn thay cho một số trường hợp tác giả: Sách in ra khó khăn (vì chưa tìm được đầu ra), họ kêu ca, làm mình làm mẩy, như thể các ngành các cấp ở ta không đánh giá đúng "giá trị đích thực của văn hóa nghệ thuật". Nhân danh hội viên, họ còn lớn tiếng yêu cầu các Hội chuyên ngành mà mình tham gia sinh hoạt phải tài trợ xuất bản. Thậm chí, có cuốn in ra, bị dư luận phản đối, NXB phải tạm dừng phát hành, họ la lối, kêu cầu cả các thế lực bên ngoài, như thể mình đang bị "đàn áp". Trường hợp bạn đọc không mấy mặn mà với tác phẩm của họ, họ không sá gì mà không buông ra những lời lẽ xúc xiểm, miệt thị, như thể đó là những kẻ "mù nghệ thuật", không đáng bàn luận.

Thiết nghĩ, nếu thực sự là những người vì dân - như đây đó họ từng tuyên bố - thì những người này chắc hẳn phải lấy trường hợp xuất bản tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác ra làm tấm gương để rèn mình. Bởi ở đời, đã dễ mấy ai, với cương vị Chủ tịch Nước, lại để cho tập thơ của mình bị "bỏ quên" suốt gần hai chục năm mới in ra?

Bởi thực sự "không màng danh lợi", nên trong cuộc sống, Bác cũng không mấy bận tâm đến những lời ngợi ca, dù là rất đẹp, rất đáng trân trọng của các tầng lớp nhân dân đối với bản thân mình.

Nhà thơ Tố Hữu - người được xem là một trong những tác giả có nhiều bài thơ hay về Bác - đã từng thổ lộ với nhà thơ Trần Đăng Khoa (bài đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 5 năm 1994), rằng thì "chưa bao giờ Ông Cụ khen thơ tôi".

Trên báo Văn nghệ số ra ngày 27/3/1999, Tố Hữu còn cho biết "về văn chương nghệ thuật, Bác Hồ rất thận trọng. Nhiều lần được hỏi về tác phẩm này tác phẩm khác, Bác chỉ nói: Đi hỏi quần chúng xem".

Điều đó cho thấy, đối với Bác, nhiệm vụ cao cả nhất của thơ ca là để tuyên truyền, phục vụ cách mạng, và vì thế mà Người luôn tính đến hiệu quả ứng dụng của nó trong thực tế. Đây cũng là một ví dụ cho thấy một lòng vì dân, vì nước của Bác./.

(Theo: Phạm Nhật Linh/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất